Chiều 20/9, tại cuộc họp thường kỳ tháng 9 của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định, tỉnh Hải Dương đang tập trung quyết liệt khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn và sẽ sớm bố trí địa điểm kinh doanh cho các tiểu thương. Đồng thời, sớm điều tra làm rõ nguyên nhân cháy, truy đến cùng trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan, làm rõ trách nhiệm của lực lượng phòng cháy chữa cháy.
Hiện trường bên trong Trung tâm thương mại sau vụ hỏa hoạn. |
* Khẩn trương hỗ trợ bằng nhiều hình thức: Ông Đoàn Việt Hùng, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Dương cho biết, đã có 464 tiểu thương nhận được hỗ trợ và thành phố đang tiếp tục thực hiện trợ cấp đột xuất cho các hộ kinh doanh bị thiệt hại trong vụ cháy. Riêng đối với 53 hộ dân khu vực Trung tâm thương mại phải sơ tán khẩn cấp từ ngày 18/9 thì trong ngày 20/9, thành phố đã quyết định thực hiện hỗ trợ tổng số tiền là 318 triệu đồng (tương ứng 6 triệu đồng/hộ) để ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cũng yêu cầu Thành phố Hải Dương tiếp tục thực hiện trợ cấp cho người dân theo các quyết định của tỉnh và thành phố. Đồng thời, chỉ đạo các trường học thực hiện ngay việc miễn học phí và các khoản đóng góp trong năm học này cho các học sinh là con em những hộ gia đình kinh doanh bị thiệt hại, nếu đã thu rồi phải hoàn trả lại cho các gia đình này.
Theo ông Hiển, tỉnh này sẽ trợ cấp thêm cho các tiểu thương bị nạn có từ 2 ki ốt trở lên. Cụ thể, ngoài khoản 13 triệu đồng đã hỗ trợ khẩn cấp, các hộ có từ ki ốt thứ 2 trở lên sẽ được hỗ trợ thêm 50% mức trợ cấp ban đầu, từ ki ốt thứ 3 trở lên sẽ được hỗ trợ thêm 20% mức trợ cấp ban đầu, và tổng mức hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/hộ. Riêng các hộ dân kinh doanh phía bên ngoài Trung tâm thương mại sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng.
Về các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm chia sẻ khó khăn với các tiểu thương trong vụ cháy vừa qua, bà Nguyễn Thị Bài, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương cho biết, ngành ngân hàng tạo điều kiện cho các tiểu thương vay vốn để kinh doanh trở lại: cơ cấu lại nợ, cho vay với lãi suất thấp. Trong thời điểm này, nếu các hộ kinh doanh có nhu cầu sẽ giải ngân để các hộ được vay phục vụ nhu cầu kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hải Dương cho biết, nhiều địa phương đã điện chia sẻ và có nguyện vọng gửi kinh phí ủng hộ bà con. Với việc tiếp nhận hỗ trợ và chia sẻ của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước đối với bà con tiểu thương, tỉnh yêu cầu thành phố lập 1 tài khoản và cùng với Sở Công thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất phương án hỗ trợ với các hộ với nguyên tắc không cào bằng.
Theo báo cáo của thành phố, hiện nay có 11 hộ dân có đề xuất được hỗ trợ gạo cứu đói. Tỉnh cũng giao Sở Lao động- Thương binh và Xã hội làm văn bản đề xuất Thủ tướng hỗ trợ gạo với mức 15kg/người và hỗ trợ trong 3 tháng. Để có căn cứ tiếp tục triển khai các hình thức hỗ trợ, cứu trợ về sau, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Dương đề nghị thành phố Hải Dương tiếp tục nắm tình hình, khẩn trương thống kê một cách chính xác số nhân khẩu đang kinh doanh và bị thiệt hại.
* Truy đến cùng trách nhiệm, không bao che: Về kết luận điều tra nguyên nhân cháy Trung tâm thương mại, vẫn chờ kết luận chính thức từ Bộ Công an. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu lực lượng công an khẩn trương có báo cáo bằng văn bản cho Văn phòng UBND tỉnh rõ việc tiếp nhận các cuộc gọi báo cháy của người dân trong đêm xảy ra hỏa hoạn.
“Nếu người dân phản ánh đúng về việc chậm trễ của lực lượng cứu hỏa, Giám đốc Công an tỉnh phải kiểm điểm về vấn đề này”, ông Hiển nói. Đồng thời, Văn phòng UBND tỉnh sẽ có giải trình bằng văn bản và gửi báo chí về việc có hay không sự chậm trễ của lực lượng phòng cháy chữa cháy để thông tin cho người dân được rõ.
Đối với trách nhiệm của Ban quản lý chợ và Trung tâm thương mại, ông Hiển cũng đề nghị UBND thành phố làm rõ nguyên nhân tại sao không mua bảo hiểm cháy nổ?
Liên quan đến vấn đề chợ tạm thay thế Trung tâm thương mại, lãnh đạo tỉnh Hải Dương nêu ra 2 phương án. Phương án thứ nhất là nghiên cứu để bố trí bà con vào kinh doanh ngay tại các chợ hiện có trên địa bàn thành phố. Nếu thực hiện phương án này, tỉnh sẽ có kinh phí hỗ trợ cho bà con tìm địa điểm kinh doanh. Phương án thứ hai là UBND thành phố và ngành xây dựng sẽ nghiên cứu các khu đất hiện có để xây chợ thay thế. Địa điểm xây đang được cân nhắc lại. Sẽ không xây chợ tạm tại khu vực phía trước Trung tâm thương mại (tức Quảng trường Thống Nhất) do đang có một Dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai dở dang tại đây.
UBND Hải Dương cho biết, hiện vẫn còn một số ki ốt ở tầng 2 và tầng 3 chưa bị thiệt hại và người dân đang rất trông chờ được tiếp cận kho hàng để vớt vát tài sản.
Trước tình hình này, Chủ tịch tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng chậm nhất là ngày 25/9 phải có phương án cho việc tháo dỡ công trình, cho bà con tiểu thương vào kiểm tra số hàng hóa vật dụng còn sót lại trong Trung tâm thương mại. Còn việc tháo dỡ công trình này, ông Hiển cũng nhấn mạnh là chưa có quyết định tại thời điểm này, vì phải chờ căn cứ giám định chất lượng công trình từ của Bộ Xây dựng. Trong trường hợp công trình có biến động bất thường, sẽ cho tháo dỡ ngay.
Trong thời điểm các cơ quan chức năng đang nỗ lực các biện pháp khắc phục hậu quả, ông Hiển mong bà con nhân dân chia sẻ với những vấn đề khó khăn mà chính quyền đang gặp phải. Trong ngày 21/9, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ cùng một số lãnh đạo sở, ban, ngành và thành phố tiến hành thị sát và có quyết định về một số phương án hỗ trợ bổ sung.
Tin, ảnh: Mạnh Minh