Vu Lan báo hiếu

Vu Lan báo hiếu là dịp để mỗi người thể hiện lòng thành kính, tri ân, báo hiếu với cha mẹ, ông bà tổ tiên và những người có công với Tổ quốc.


Giảm bớt mua sắm hàng mã


Theo các chủ hàng tại phố Hàng Mã (Hà Nội), vào dịp tháng bảy âm lịch mỗi năm, ngay từ đầu tháng khu phố này đã nhộn nhịp người mua kẻ bán phục vụ cho hai ngày lễ lớn của tháng là Vu lan báo hiếu và ngày lễ Xá tội vong nhân. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, chỉ còn ít ngày nữa là tới rằm tháng bảy nhưng không khí buôn bán trên con phố này vẫn khá trầm lắng, trên phố chủ yếu là khách du lịch, người qua đường, còn các cửa hàng thì vắng thưa khách, mặt hàng giành cho người âm cũng không giữ các vị trí ưu tiên trên cửa hàng trong những ngày này.

 

Hàng mã trong lễ Vu Lan báo hiếu có ý nghĩa tri ân, thể hiện tấm lòng với người đã khuất.


Không khí đìu hiu, vắng khách khiến nhiều chủ hàng chán nản. Chủ cửa hàng trên địa chỉ số 23 Hàng Mã cho biết: “Năm nay hàng bán chậm, thậm chí người mua thưa thớt”. Còn chủ cửa hàng số 25A phố Hàng Mã thở dài ngao ngán, năm nay giá hàng mã có giảm so với năm ngoái nhưng người mua thì kém hẳn so với mọi năm.


Quan trọng là thành tâm


Tập tục cúng vàng mã ngày Vu lan tháng bảy là truyền thống lâu đời của người dân Việt. Trong ngày Lễ Vu Lan, quan trọng nhất là thể hiện được lòng thành và sự trân trọng, biết ơn đối với những người đi trước, với ông bà tổ tiên, tri ân những người thân trong gia đình, những người có công với đất nước. Không có thước đo nào thể hiện lòng thành kính bằng sự thành tâm từ mỗi người.


Việc đốt vàng mã, nhất là hóa vàng trong ngày lễ Vu Lan xuất phát từ tín ngưỡng, niềm tin của người Việt cổ với quan niệm về âm dương và tín ngưỡng truyền thống thờ cúng tổ tiên. Với quan niệm “Trần sao âm vậy”, mỗi người đều mong cõi dương thế nào thì mong muốn người thân của mình nơi cõi âm cũng được sống như vậy. Tuy nhiên, theo quan niệm của đạo Phật, Phật giáo luôn nhấn mạnh tới việc tu tập của chính bản thân, làm sao con người đạt tới lòng từ bi và trí tuệ chứ không chú trọng về mặt lễ nghi rườm rà.


Theo đại đức Thích Đức Thiện: Để thể hiện lòng thành kính trong lễ Vu Lan, mỗi người nên có những nén hương thành kính nơi bàn thờ gia tiên, dâng hoa tưởng niệm ở nhà thờ tổ tiên, thắp nén nhang nơi đài liệt sĩ. Trong Phật giáo, ngày Vu Lan chỉ có tụng kinh Vu Lan và thực hiện nghi lễ Bông hồng cài áo. Tại gia đình thì có thể làm mâm cơm, anh em sum họp để tưởng nhớ công đức Tổ tiên và những người đi trước.


Cũng theo đại đức Thích Đức Thiện, ngày Vu Lan không chỉ có ý nghĩa là dịp tri ân, tưởng nhớ những người đã khuất mà còn là dịp mỗi người báo hiếu với cha mẹ, những người còn sống qua công việc hàng ngày từ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ và làm những điều tốt nhất có thể cho cha mẹ, ông bà..., qua đó giáo dục con cái tích đức, làm điều thiện mỗi ngày.

 

Bài và ảnh: Anh Đức

Đại lễ Vu Lan tại Praha - sâu nặng tình đời
Đại lễ Vu Lan tại Praha - sâu nặng tình đời

Tại Đại lễ Vu Lan năm nay, ngoài phần lễ Phật thì phần Báo hiếu được đặc biệt chú trọng với các nghi thức con cháu, dâu rể dâng trà, tặng quà tượng trưng cho cha mẹ, ông bà và trao hoa đỏ cho những ai còn mẹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN