Cụ thể, các mẫu xét nghiệm gồm thịt lợn luộc, pate lợn, chả lụa, nước xốt thịt lợn và rau sống ăn kèm đều phát hiện có nhiễm vi khuẩn salmonella. Cơ quan chức năng đã kết luận các mẫu thực phẩm nói trên không đạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
Vi khuẩn salmonella đi vào cơ thể qua đường tiêu hóa, vượt qua môi trường axit của dạ dày, đến ruột non, bám vào niêm mạc ruột qua các protein bám dính. Sau đó xâm nhập vào tế bào niêm mạc ruột, gây tổn thương tế bào và phản ứng viêm. Nếu nhiễm salmonella, người bệnh thường bị tiêu chảy, sốt và co thắt dạ dày, cũng có thể đau đầu, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng thường bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm vi khuẩn và kéo dài 4 - 7 ngày. Người nhiễm khuẩn sẽ đỡ sau khoảng một tuần, đôi khi nhiễm trùng lây lan đến máu, xương, khớp, não hoặc hệ thần kinh và gây ra các triệu chứng lâu dài hơn.
Trước đó, ngày 27/11, hàng loạt người dân tại thành phố Vũng Tàu nhập viện với các triệu trứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, chóng mặt sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình. Ngay sau đó, ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm đem đi xét nghiệm.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được các loại giấy tờ cần thiết cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm đầu vào. Tiệm lấy thực phẩm đầu vào từ 4 cơ sở sản xuất bánh mì và 2 cơ sở bán thịt heo, sản xuất giò chả.
Tính đến 16 giờ ngày 29/11, hệ thống giám sát của ngành Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu và Trung tâm Y tế Vietsovpetro là 379 người do ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm nêu trên.