Dự kiến buổi đối thoại diễn ra từ 8 giờ ngày 7/8, tuy nhiên do số người đến dự đối thoại quá ít nên phải đến 9 giờ cùng ngày buổi đối thoại mới bắt đầu.
Tại buổi đối thoại, 15 người đại diện cho bà con nêu ý kiến tập trung vào những vấn đề như: Khi xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ không lấy ý kiến người dân địa phương; vị trí xây dựng nhà máy quá gần khu dân cư, không đảm bảo quy định pháp luật (chỉ cách khoảng 600 m); có việc đưa rác thải từ địa phương khác như thành phố Quảng Ngãi và rác của tỉnh Bình Định về nhà máy để xử lý; mùi hôi thối, tiếng ồn, ô nhiễm không khí từ Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của một bộ phận người dân thôn La Vân, xã Phổ Thạnh; nhà máy đặt ở nơi đầu nguồn nước, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm sinh hoạt của dân.
Ngoài ra, bể nước thải của nhà máy chưa hoàn thiện nhưng nhà máy đã đi vào hoạt động; lượng rác thải đã chôn lấp trước đây nay được nhà máy đào lên để xử lý mùi hôi thối...
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết: Việc người dân cho rằng khi xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, huyện Đức Phổ không lấy ý kiến người dân địa phương là không đúng. Theo văn bản ngày 26/5/2016, chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân, trong đó có đại diện chính quyền địa phương, các hội đoàn thể, trưởng các thôn, đại diện người dân thôn La Vân - nơi đặt nhà máy. Tuy nhiên, có thể một số trưởng thôn sau đó chưa truyền đạt cụ thể đến người dân chủ trương này nên mới có sự hiểu nhầm. Ông Trinh đã nhận thiếu sót và xin lỗi người dân.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Phổ Nguyễn Văn Diệu thông tin, hằng năm huyện đều mời một đơn vị có tư cách pháp nhân, độc lập về phân tích, quan trắc không khí, nước ngầm tại những vị trí liên quan đến Nhà máy. Mẫu nước, không khí tại 2 gia đình gần nhà máy được lấy để phân tích đều cho kết quả trong ngưỡng cho phép.
Ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Nhà máy rác này không gây ô nhiễm bởi xử lý rác theo hình thức đốt - đây là cách xử lý tốt. Ngoài ra, Nhà máy có công suất xử lý 50 tấn/ngày đêm nhưng hiện nay lượng rác của toàn huyện Đức Phổ chỉ khoảng 25 tấn/ngày đêm nên Nhà máy chưa hoạt động hết công suất. Việc ô nhiễm có thể do số rác cũ chôn lấp trước kia tại vị trí Nhà máy mới đang hoạt động.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Tân, khoảng cách từ Nhà máy đến khu dân cư theo chuẩn quy định, bởi Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Đức Phổ được xây dựng trên vị trí bãi rác cũ nên theo quy định chỉ cần cách khu dân cư tối thiểu 500 m.
Kết luận buổi đối thoại, ông Trần Em, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ yêu cầu huyện tiếp thu, ghi nhận ý kiến của người dân cũng như ý kiến giải trình của đại diện cơ quan liên quan.
Ông Trần Em khẳng định, việc đặt Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ là hoàn toàn phù hợp, đúng quy định pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nên không thể di dời nhà máy. Huyện cũng đã có văn bản xin UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép đào số rác đã chôn lấp trước khi có Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ, để đốt. Vì vậy trong quá trình đào, mùi hôi thối bốc lên, ảnh hưởng đến người dân. Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ mong người dân thông cảm, chia sẻ; đồng thời cho biết huyện đang đầu tư hồ chứa nước, cấp nước tưới cho một số cánh đồng của địa phương cũng như cấp nước sinh hoạt cho người dân Phổ Thạnh, để người dân không phải sử dụng nước ngầm sinh hoạt như hiện nay...
Lãnh đạo huyện Đức Phổ đề nghị chính quyền các cấp tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và không tiếp tục chặn xe chở rác; phân loại đối tượng cầm đầu quá khích, vận động người dân tụ tập gây rối, có biện pháp xử lý; nhanh chóng đưa Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ hoạt động trở lại, không để tình trạng rác thải ùn ứ như hiện nay.
Tuy nhiên, ngay sau khi buổi đối thoại kết thúc, người dân không đồng ý với kết luận của lãnh đạo địa phương nên đã tụ tập ở trụ sở UBND xã Phổ Thạnh, sau đó kéo ra Quốc lộ 1A đoạn qua xã Phổ Thạnh, gây ách tắc giao thông. Lực lượng chức năng đã vào cuộc phân luồng giao thông, tránh ùn tắc. Đến 12 giờ cùng ngày người dân bắt đầu giải tán.
Bãi xử lý rác thải phía Nam huyện Đức Phổ được hình thành từ năm 2007, tại thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, với diện tích 15.708m2 và được xử lý rác bằng hình thức chôn lấp. Ban đầu bãi rác chỉ để xử lý rác cho xã Phổ Thạnh nhưng đến năm 2009 bắt đầu xử lý rác cho toàn huyện Đức Phổ.
Do việc chôn lấp không đảm bảo môi trường nên huyện đã kêu gọi, thu hút đầu tư nhà máy bằng công nghệ tiên tiến hơn để xử lý rác. Năm 2016, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và công nghệ môi trường MD (Công ty MD) được Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, cho thuê đất để đầu tư dự án: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Đức Phổ. Diện tích đất Công ty MD được UBND tỉnh cho thuê là 20.226m2, gồm cả diện tích bãi xử lý rác phía Nam huyện Đức Phổ (15.708m2) và phần diện tích mở rộng thêm như hiện nay.