Theo đó, trong 10 ngày qua, kết quả dữ liệu biểu đồ dịch chuyển đo bằng thiết bị quan trắc giãn kế do Công ty Cổ phần địa chất Kawasaki, Nhật Bản lắp đặt cho thấy, các vết nứt đã ngừng dịch chuyển, không bị "giãn nở" thêm. Ngoài hai thiết bị đo độ nứt, dịch chuyển địa chất, phía chuyên gia Nhật Bản cũng lắp đặt bộ máy báo động tại ngôi nhà số 27 C đường Nguyễn Văn Trỗi. Thiết bị này sẽ đưa ra cảnh báo khi bề mặt địa chất có biến động nhằm giúp người dân trong khu vực chủ động đối phó nếu có sự cố bất thường xảy ra. Thành phố Đà Lạt cử người trực 24/24 giờ tại khu vực đất bị nứt, sụt lún nhằm chủ động hỗ trợ người dân đối phó với sự cố.
Cũng theo ông Võ Ngọc Trình, hiện các chuyên gia đã hoàn thành ba mũi khoan thăm dò địa chất (mỗi mũi khoan có độ sâu khoảng 20 m) trong khu vực đất bị lún, nứt để phục vụ công tác khảo sát, tìm nguyên nhân của hiện tượng trên. “Dự kiến đến ngày 15/5, cơ quan chuyên môn sẽ hoàn thành việc thăm dò và đưa ra nguyên nhân chính thức về hiện tượn lún, nứt đất tại khu vực đường Nguyễn Văn Trỗi. Sau đó, thành phố Đà Lạt mới tiếp tục triển khai các phương án tiếp theo nhằm ổn định đời sống cho người dân trong khu vực này” - ông Trình cho biết.
Như thông tin đã đưa, hiện tượng sụt lún, nứt đất trong khu dân cư đầu đường Nguyễn Văn Trỗi xuất hiện từ ngày 26/4, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhiều hộ dân trong khu vực. Do nhiều căn nhà bị lún, nứt, chính quyền địa phương đã vận động 45 hộ dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm; đồng thời phối hợp với các chuyên gia địa chất đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và Nhật Bản để khảo sát, lắp đặt thiết bị quan trắc nhằm tìm nguyên nhân, có biện pháp khắc phục hiện tượng trên.