Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trước câu hỏi của phóng viên về việc huyện Yên Phong (Bắc Ninh) tiếp tục ký hợp đồng ngắn hạn với 261 giáo viên trượt xét tuyển trong thời gian qua có sai luật.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trả lời tại cuộc họp báo. |
Kiểm điểm, luân chuyển cán bộ sai phạmChiều 16/5, Bộ Nội vụ đã tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí thường kỳ thông báo công tác của Bộ trong thời gian qua và dự kiến nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về sai phạm trong tuyền dụng viên chức tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Trả lời về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ công chức – viên chức Lê Minh Hương thừa nhận trách nhiệm thiếu sót, chậm trễ. Bà Hương cho biết, khi Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh có văn bản hỏi xin ý kiến về việc xem xét tuyển dụng đặc cách đối với các giáo viên hợp đồng có thời gian công tác trên 36 tháng, Vụ có gặp gỡ, trao đổi nhưng lại không có văn bản trả lời chính thức. Đây là một thiếu sót đáng tiếc.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết thêm, ngày 12/5, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các lãnh đạo của Bộ có liên quan đến vụ việc viết bản kiểm điểm, tự nhận trách nhiệm và hình thức kỉ luật. “Bộ sẽ sớm có xử lí những cán bộ này”, ông Tuấn nhấn mạnh.
“Tỉnh Bắc Ninh cũng báo cáo hướng giải quyết sự việc. Theo đó, tỉnh đã xử lí, luân chuyển công tác một số cán bộ để tình trạng nhiều năm liền không tuyển dụng viên chức ở huyện Yên Phong” – lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết.
Với câu hỏi việc UBND huyện Yên Phong ký hợp đồng ngắn hạn với 261 giáo viên trượt xét tuyển có sai luật, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nêu rõ, việc tuyển dụng viên chức căn cứ Nghị định 29 của Chính phủ và Thông tư số 15 của Bộ Nội vụ trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phát huy tính tự chủ của mỗi địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phải đảm bảo quyền lợi của người lao động. Trên quan điểm bảo vệ quyền lợi người lao động theo hướng có lợi nhất và không trái với quy định của pháp luật, Bộ luôn ủng hộ.
Thi phỏng vấn phải có ghi âm, ghi hìnhThứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, câu chuyện tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh là bài học cho nhiều địa phương trong công tác tuyển dụng viên chức. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ sẽ nghiên cứu sửa đổi một số quy định cho chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo tính công bằng trong quá trình tuyển dụng. “Chẳng hạn, đối với hình thức thi phỏng vấn phải có camera ghi âm, ghi hình. Nếu có bất kỳ thắc mắc liên quan đến nội dung buổi phỏng vấn đó, cơ quan chức năng có thể kiểm tra lại. Việc phỏng vấn cần phải cho điểm ngay và công khai để các thí sinh biết”, ông Tuấn chia sẻ.
Giải đáp băn khoăn liệu phỏng vấn có tuyển được cán bộ có năng lực thực sự, Thứ trưởng Tuấn cho biết ông ủng hộ quan điểm thi thực hành. Đối với lĩnh vực đặc thù như giáo dục, cần phải kiểm tra phương pháp sư phạm, khả năng, năng lực truyền đạt kiến thức cho học sinh. Lĩnh vực y tế phải kiểm tra tay nghề chuyên môn của người thầy thuốc. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như Bộ Y tế để có quy định sát thực hơn.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ Bắc Ninh, ngay trong ngày hôm nay (16/5), Bộ đã có công văn gửi gửi các bộ ngành, đơn vị có liên quan về tăng cường quản lí công tác tuyển dụng công chức viên chức
Theo đó, Bộ lưu ý các đơn vị khi ký hợp đồng lao động phải trong phạm vi định mức hoặc số lượng được cấp có thẩm quyền giao, đảm bảo tuân thủ các quy định của bộ luật lao động trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biẹt, các Bộ, ngành địa phương không áp dụng quy định về các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, xét tuyển đặc cách đối với viên chức hoặc chỉ ký hợp đồng lao động để thay hoàn toàn cho việc tuyển dụng thông qua phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển.
Thu Phương