Đến thời điểm hiện tại, cơ quan cảnh sát điều tra quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự với Trần Hoài Nam (sinh năm 1983) và thực hiện các biện pháp tố tụng với hành vi bạo hành chính con đẻ. Cháu Trần Gia K., bé trai 10 tuổi bị bạo hành, đã được đưa đi kiểm tra sức khỏe và tâm lý.
Ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, thật khó để có thể chấp nhận hành động của một ông bố bạo hành con ruột. Vụ việc cháu bé 10 tuổi bị bố và mẹ kế bạo hành trong suốt 2 năm mà không một cơ quan đoàn thể nào phát giác, cần quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương…
Còn theo luật sư Minh Anh, trong vụ bạo hành cháu K., bố đẻ Trần Hoài Nam và mẹ kế đã phạm tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 104 và “Tội hành hạ người khác” theo điều 110 về theo Bộ luật hình sự 1999 và sửa đổi bổ sung năm 2009.
Cụ thể, điều 104 quy định theo từng nhóm thương tật và chờ kết quả giám định của cơ quan chức năng: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
- Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
- Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
- Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Còn Điều 110 về Tội hành hạ người khác quy định: Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; b) Đối với nhiều người.
Phân tích cụ thể, tội hành hạ người khác là hành vi đối xử tàn ác như gây đau đớn về thể xác, đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc. Tội phạm xâm phạm đến quyền được bảo hộ sức khỏe, tự do, danh dự của người bị lệ thuộc. Hiện nay, theo Điều 110, luật hình sự năm 1999 và sửa đổi 2009 quy định 2 khung hình phạt: Khung 1 quy định hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Khung 2 quy định hình phạt tù từ 1 năm đến 3 năm áp dụng đối với một trong các trường hợp sau: Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật, trong đó, trẻ em là người chưa đủ 16 tuổi (căn cứ vào giấy khai sinh). Căn cứ luật hiện hành, ông bố có hành vi hành hạ bé trai sẽ bị áp dụng ở khung hình phạt 2 tăng nặng từ 1 đến 3 năm tù.
*Trước đó, tối ngày 6/12, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự và thực nghiệm hiện trường đối với Trần Hoài Nam (SN 1983, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), người được cho là đã hành hạ chính con trai của mình trong thời gian dài.
Theo thông tin ban đầu, nạn nhân được xác định là cháu K. (10 tuổi). Trần Hoài Nam và mẹ cháu K. đã li dị cách đây 4 năm; sau đó, Trần Hoài Nam lấy vợ mới và cháu K. ở với bố và mẹ kế từ tháng 7/2016.
Ngày 5/12, cháu K. trốn khỏi nhà bố đẻ và tìm về nhà bà nội ở đường Hoàng Hoa Thám (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) trong tình trạng hoảng sợ, sút cân trầm trọng. Người thân của cháu K. cho biết trước đây, cháu bé nặng gần 40 kg, nhưng giờ chỉ còn hơn 20 kg. Cháu K. kể rằng thời gian ở với bố đẻ và mẹ kế, cháu thường xuyên bị đánh.
Ngay sau đó, gia đình đã trình báo sự việc lên cơ quan công an, đồng thời liên lạc với mẹ đẻ cháu K. và đưa đi khám xác định thương tật.
Theo Tổng đài tư vấn hỗ trợ bảo vệ trẻ em -111, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực từ chính trong gia đình là cao nhất (chiếm 63.2%). Trong đó, bố là người gây ra bạo lực nhiều nhất đối với trẻ em (chiếm 37,5%); tiếp đó là người mẹ (chiếm 11.8%); các đối tượng khác trong gia đình thường là bố dượng, mẹ kế, họ hàng sống chung trong một mái nhà (chiếm 13,9%). Bị người thân bạo hành khiến cho tình trạng sang trấn tâm lý của trẻ lâu hồi phục hơn so với thủ phạm là người ngoài gia đình". |