Hiện trường vụ vỡ bể chứa chất thải đã khiến khoảng 1.750 m3 chất thải chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra suối Nậm Núa, gây sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN |
Khoảng 1.750 m3 chất thải chưa qua xử lý trực tiếp đổ ra suối Nậm Núa. Hàng chục km của con suối đổi màu đục ngầu, bốc mùi hôi thối do cá bị chết hàng loạt. Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền các cấp và ngành chức năng liên quan đã điều tra nguyên nhân, khắc phục sự cố, sớm ổn định đời sống người dân.
Tại hiện trường của vụ việc, khoảng 6 mét chiều dài bờ bao của ao chứa tạm chất thải (chiều rộng 16m, dài 45,5m và cao 2,4m) tiếp giáp với suối Nậm Núa bị vỡ, khiến cho toàn bộ nước, bã chất thải tràn ra suối. Trong ngày 15/1, người dân bản địa và các xã phụ cận đã vớt được khoảng 4 tạ cá, rắn, lươn các loại. Người nuôi cá lồng trên dòng Nậm Núa ở hạ lưu phải di chuyển lồng bè nuôi về tận lòng hồ thủy điện Nậm Núa do lo lắng nguồn độc hại sẽ xuôi về hạ lưu.
Theo ông Phan Hiền, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, có thể khẳng định là cá, các loại thủy sinh chết vào sáng 15/1 trên suối Nậm Núa là do chất thải của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn thải ra. Từ đầu tháng 11/2017, Nhà máy đã sản xuất nên mức độ ô nhiễm rất lớn. Trước ngày 15/1, qua các lần kiểm tra của các đoàn chuyên môn, nhiều chỉ tiêu đã vượt ngưỡng cho phép từ 2 đến 5 lần.
Theo báo cáo số 33 ngày 17/1/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường, đêm 14/1, sau khi sản xuất được hơn 40 tấn sắn tươi, đến hơn 3 giờ ngày 15/1, sự cố vỡ ao chứa tạm chất thải đã xảy ra, cách nhà máy khoảng 50m. Sau khi sự cố xảy ra, Công ty đã cho ngừng sản xuất.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn phải ngững mọi hoạt động thu mua nông sản, chế biến tinh bột sắn. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN |
Trước đó, vào ngày 11/1, Đoàn kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Điện Biên, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Điện Biên, đại diện UBND xã Hẹ Muông đã yêu cầu Công ty dừng hoạt động sản xuất, xả thải trực tiếp ra môi trường, thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng và môi trường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần tinh bột Hồng Diệp - Điện Biên vẫn cố tình sản xuất, dẫn đến sự cố vỡ ao chứa chất thải. Kết quả phân tích nhanh mẫu nước thải của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn, Công ty Cổ phần tinh bột Hồng Diệp - Điện Biên trong ngày 11/1 cho thấy, giá trị hàm lượng một số chỉ tiêu vượt giới hạn Quy chuẩn Việt Nam cho phép, trong đó chất rắn lơ lửng vượt từ 6,47 đến 21,7 lần; nhu cầu ô xi hóa học vượt từ hơn 10 đến gần 11 lần; xyanua vượt từ gần 2,2 đến gần 2,7 lần; cadimin vượt 27,4 lần.
Ông Phan Hiền, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên cho biết: Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các ngành yêu cầu Nhà máy ngừng sản xuất; đồng thời phải xử lý bã sắn đang lưu trữ ở các ao, sân sau Nhà máy để khắc phục môi trường khu vực Nhà máy và lân cận. Sở đã kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên giao cho một cơ quan chủ trì tham mưu cùng với các ngành kiểm tra, làm việc cụ thể với Nhà máy để làm rõ sai phạm trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường. Nếu Nhà máy không cam kết, khắc phục, thực hiện theo các yêu cầu về quản lý đầu tư, quản lý về bảo vệ môi trường, Sở sẽ đề xuất với UBND tỉnh rút giấy phép đầu tư.
Ngày 15/3/2017, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 189/QĐ- UBND về chủ trương đầu tư đối với Nhà máy Chế biến tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông với công suất 80 tấn sản phẩm tinh bột sắn/ngày; diện tích sử dụng 20.000 m2; tổng vốn thực hiện dự án 70 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án 50 năm. Mục tiêu của dự án xây dựng nhà máy là thu mua sản phẩm sắn củ, sắn lắt khô để chế biến thành tinh bột sắn; hình thành mô hình sản xuất chuỗi liên kết khép kín giữa người dân và doanh nghiệp; nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Đến thời điểm trước khi xảy sự cố vỡ bể chứa chất thải, các thủ tục về xây dựng, đất đai, đánh giá tác động môi trường của nhà máy chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Các hạng mục về xử lý môi trường chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Trong năm 2017 và đầu năm 2018, đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra thực tế, xác định sai phạm, yêu cầu chủ đầu tư dự án dừng ngay các hoạt động triển khai xây dựng Nhà máy và thực hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của UBND tỉnh Quyết định số 189 ngày 15/3/2017. Tuy nhiên, bất chấp những yêu cầu cơ cơ quan chức năng, Nhà máy vẫn hoạt động và để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường vào đêm 15/1.