Hà Nội kỷ niệm 40 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015) và 129 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2015) với màn bắn pháo hoa rực rỡ kéo dài 15 phút, từ 21 giờ đến 21 giờ 15 tối 30/4, tại 6 điểm bắn pháo hoa tầm cao và tầm thấp. Hàng vạn người dân thành phố cùng du khách quốc tế đổ về trung tâm thành phố chiêm ngưỡng những màn ánh sáng lộng lẫy trong không khí hân hoan cùng nhân dân cả nước đón mừng ngày hội thống nhất non sông.
Khắp thành phố rợp một màu cờ đỏ sao vàng cùng băng rôn, khẩu hiệu và những bức tranh kháng chiến như gợi lại lịch sử hào hùng. Nếu ngã tư Xuân Thủy thu hút mọi ánh nhìn bởi những pano cỡ lớn bắt mắt thì đường Ô Chợ Dừa lại nổi bật với dòng chữ chào mừng kỷ niệm ngày non sông thu về một mối với ba màu sắc vàng, đỏ, xanh. Khu trưng bày tại Trung tâm triển lãm trên đường Tràng Tiền níu bước chân người với những bức tranh xưa và nay. Nhưng đẹp và nổi bật nhất vẫn là hồ Gươm khi nơi linh thiêng này lung linh hơn với cờ hoa, đèn chiếu sáng cùng những pano, hoa trang trí mang dòng chữ kỷ niệm ngày đất nước thống nhất. Những bức tranh Sài Gòn năm xưa được trưng bày kín vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng giúp cho người dân có cơ hội được chiêm ngưỡng.
Trong không khí mừng kỷ niệm ngày thống nhất, ông Dương Văn Bảng, nguyên cán bộ Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), nhớ lại những giây phút đón tin đại thắng: Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, tin vui dồn dập trên sóng phát thanh, báo chí, trên nhiều bản tin in vội. Phía trước cửa Câu lạc bộ Thống Nhất bên Hồ Gươm - nơi dành cho người miền Nam tập kết lui tới sinh hoạt, treo một tấm bản đồ giải phóng khổng lồ. Ở đây, suốt ngày đêm, nhiều người đủ mọi lứa tuổi, mọi miền quê từ bờ Nam sông Bến Hải cho đến chót mũi Cà Mau, đến đây theo dõi thông tin quê hương lần lượt được giải phóng được đánh dấu bằng những chấm sơn đỏ trên tấm bản đồ. Khắp phố phường, những bài hát nổi tiếng, sôi sục khí thế cách mạng và niềm tin chiến thắng vang lên. Ai cũng sống trong một tâm trạng khó tả. Tất cả dự cảm rằng, giờ phút chiến thắng đã đến rất gần.
Pháo hoa rực rỡ trên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: TTXVN |
Những ngày cuối tháng Tư ấy, ông Bảng được giao nhiệm vụ chuẩn bị cờ Tổ quốc, cờ Mặt trận giải phóng miền Nam loại lớn nhất và pháo Bình Đà loại tốt nhất để TTXVN nổ pháo mừng chiến thắng. Cả chục bánh pháo được đem sấy kỹ rồi cứ hai bánh pháo chập làm một đôi thành một dây pháo dài hơn chục mét. 9 giờ 30 phút sáng ngày 30/4, dây pháo đó được cột cẩn thận vào một chiếc sào thả dài xuống đất từ tầng 5 tòa nhà TTXVN, phía trước mặt phố Lý Thường Kiệt để chờ giờ nổ pháo ăn mừng.
"Trưa ngày 30/4, tin Ngụy quyền đầu hàng, quân Giải phóng đã vào Dinh Độc lập, Sài Gòn giải phóng, dội về. Biển người quây kín TTXVN từ mặt tiền phố Lý Thường Kiệt, phố Phan Huy Chú, ngã ba Lê Thánh Tông, như vỡ òa trước tin thắng trận. Trong tiếng pháo nổ ròn rã liên tục, nhiều người trào nước mắt hạnh phúc", ông Dương Văn Bảng bồi hồi nhớ lại.
Chia sẻ những cảm xúc đặc biệt trong thời khắc trọng đại này, Giáo sư địa chất Phan Trường Thị, nhà khoa học người miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 và ở lại, gắn bó máu thịt với Hà Nội, nhớ lại: Những ngày tháng Tư năm đó, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ Đại học Tổng hợp Lomonosov. Cách Tổ quốc cả vạn dặm đường, nhưng ông cũng như những du học sinh người Việt trên đất Xô Viết anh em đều hướng về nước mẹ chờ tin thắng trận. Từ sau chiến thắng Phước Long, chiến thắng Buôn Ma Thuột giải phóng Tây Nguyên, rồi Huế - Đà Nẵng… ông cũng như họ hình thành một thói quen là háo hức, dõi theo bước tiến của những đoàn quân.
"Ngày 30/4, lúc tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất bay đến, chúng tôi vui mừng khôn xiết, nhiều người nước mắt lăn dài. Cùng lúc ấy, sinh viên, giảng viên, tiến sỹ, giáo sư người Nga và bạn bè quốc tế tại trường Đại học Tổng hợp Lomonosov cũng đến chia vui với nhân dân Việt Nam", Giáo sư Phan Trường Thị bồi hồi kể.
Trong giờ phút trái tim Hà Nội đập những nhịp xúc động nhớ lại tiền tuyến lớn, hậu phương lớn của đất nước trong cuộc trường kỳ kháng chiến, có những khoảng lặng "vui sao nước mắt lại trào". Đó là những người mẹ, những người em, những đồng đội, đồng chí nghĩ tới những người con, người em và đồng bào, cán bộ đã hy sinh, góp phần làm nên chiến thắng hôm nay. Như bà Đỗ Thị Tám (trú ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội), là em gái của liệt sỹ Đỗ Văn Bạo hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1972. Từ ngày đứt từng khúc ruột khi nhận tin báo tử của anh trai, nỗi nhớ, tình cảm máu mủ ruột rà cứ day dứt trong bà. Đã nhiều lần bà cùng đồng đội năm xưa của liệt sỹ Đỗ Văn Bạo tìm anh. Dấu chân bà in dọc chiến trường Khe Sanh cũng như qua những địa danh xa lạ suốt những thập niên qua để tìm mộ anh mà vẫn không thấy...
Nén lại nỗi lòng của bà Đỗ Thị Tám, như thổ lộ của dược sỹ Trần Thúy Nga (Mễ Trì Hạ, Bắc Từ Liêm): Thế hệ trẻ chúng tôi đều biết và hiểu rằng, để đất nước Việt Nam nối liền một dải, quân và dân ta đã phải đánh đổi rất nhiều sự hy sinh, mất mất sức người và sức của để giành được độc lập, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc. 40 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đất nước đã đổi thay nhiều, sự phát triển, tiến bộ là vượt bậc. Tin rằng ngày nay, thế hệ trẻ chúng tôi sẽ tiếp bước cha anh, nỗ rực rèn luyện học tập, xây dựng đất nước phát triển, ngày càng giàu đẹp hơn để sánh vai các quốc gia giàu mạnh trên thế giới như Bác Hồ mong mỏi “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Hồ Hoàn Kiếm, lúc 21 giờ ngày 30/4/2015, mưa bay lất phất, muôn vàn chùm pháo hoa vút bay sáng rực trên bầu trời Thủ đô như niềm vui chiến thắng, thống nhất vỡ òa cách đây 40 năm. Xin khép bài ghi nhanh này bằng những câu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Có được ngày vui hôm nay, chúng ta hết sức tự hào và biết ơn lớp lớp các thế hệ cha anh, những người đã sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân, xếp bút nghiên lên đường ra trận; những anh hùng, liệt sĩ như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc cùng biết bao thanh niên, sinh viên Thủ đô đã hy sinh ước mơ và tình yêu riêng của mình để phụng sự cho ước mơ và tình yêu lớn của non sông đất nước; sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của dân tộc, vì sự trường tồn và hạnh phúc của nhân dân.
Pháo hoa chào mừng 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh TTXVN |
40 năm sau Đại thắng lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhân dân cả nước, Hà Nội đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện, khẳng định vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước...
Anh Tùng (TTXVN)