Vùng căn cứ kháng chiến
Tân Phú Tây là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Bến Tre và thuộc vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển chiến tranh nhân dân, cùng với tinh thần chiến đấu kiên cường và tinh thần giác ngộ lý tưởng cộng sản cao của người dân Tân Phú Tây, địa bàn này được chọn là căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Y4). Đây là căn cứ cách mạng quan trọng và là biểu tượng lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân ta.
Cách đây 54 năm, vào tháng 7/1969, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, hai đồng chí Trần Bạch Đằng và Mai Chí Thọ làm Phó Bí thư đã lãnh đạo, chia thành nhiều bộ phận nhỏ, bằng nhiều hình thức bí mật di chuyển đến căn cứ xã Tân Phú Tây. Tuy thời gian đóng tại đây không dài nhưng Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã để lại những dấu mốc lịch sử đáng nhớ, đó là nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23/12/1995. Đây là một trong những "địa chỉ đỏ" thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh Bến Tre tham quan hàng năm.
Với vị trí quan trọng và có lợi thế về địa hình thuận lợi cho cách mạng, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tân Phú Tây phải chịu cảnh “bom cày, đạn xới”, là điểm đánh phá ác liệt của địch. Năm 2000, nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Tân Phú Tây đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".
Ông Huỳnh Bình Minh (72 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú Tây) nhớ lại, vùng này toàn bộ là vùng cách mạng nên được chọn làm điểm đóng quân để lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ vào những năm 1969-1970. Thời điểm này, Tân Phú Tây được xem là khu trung tâm, nếu bị địch đánh thì quân ta sẽ tản ra ở những xã xung quanh để đảm bảo an toàn. Theo ông Minh, so với trước đây, địa phương hiện đã thay đổi rõ rệt, kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khá tốt, an ninh trật tự ổn định.Nhiều ngôi nhà ngói khang trang được xây dựng thay cho những căn nhà tạm bợ trước đây.
Phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống
Sau khi đất nước thống nhất, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, chính quyền và nhân dân xã Tân Phú Tây đã tập trung trí tuệ, chung lưng đấu cật, cùng nhau tái thiết quê hương, từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục những tổn thất nặng nề do đạn, bom tàn phá, để ổn định đời sống người dân và chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế, với quyết tâm thực hiện thành công cuộc Đồng khởi mới trong xây dựng, kiến thiết quê nhà.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Phú Tây Bùi Văn Tuấn cho biết, xã có 6 ấp, 2.150 hộ dân với hơn 6.900 nhân khẩu, sinh hoạt tại 84 tổ nhân dân tự quản. Tân Phú Tây là xã thuần nông, có diện tích tự nhiên 965 ha, trong đó có 852 ha đất sản xuất nông nghiệp, kinh tế của người dân chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, với cây, con chủ lực là bưởi da xanh, dừa, lợn, gà...
Thời gian qua, xã chú trọng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tập trung chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả hơn. Với chủ trương đó, xã từng bước định hình các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp với điều kiện chuyển đổi của địa phương, đồng thời khuyến khích người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, toàn xã có hơn 600 ha dừa và gần 230 ha cây ăn quả. Ngoài trồng trọt, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Tân Phú Tây những năm gần đây cũng phát triển khá mạnh, với tổng đàn bò hơn 250 con, đàn lợn hơn 4.000 con, đàn dê 1.600 con và 125.000 con gia cầm. Trong sản xuất, xã Tân Phú Tây mạnh dạn phát triển rộng rãi các mô hình kinh tế có hiệu quả nhằm tạo thêm thu nhập cho người dân như mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, nuôi gà đẻ trứng. Các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng phát triển khá mạnh như may gia công, sơ chế cơm dừa, sản xuất thạch dừa thô, sản xuất kẹo dừa, sản xuất bánh phồng chuối, giải quyết việc làm cho 430 lao động địa phương.
Đặc biệt, xã xây vùng sản xuất dừa tập trung, với diện tích hơn 590 ha, với 1.477 hộ tham gia, đồng thời vận động người dân canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Từ đó, dần thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, người dân có điều kiện liên kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Ông Lê Văn Dũng (ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú Tây) cho biết, trước đây gia đình có nuôi lợn sinh sản và gà thịt nhưng hiệu quả không cao. Khoảng 5 năm nay, gia đình chuyển sang áp dụng mô hình nuôi gà đẻ trứng, với quy mô hơn 1.000 con cho hiệu quả kinh tế khá cao. Trung bình mỗi tháng, ông Dũng thu gần 30 triệu đồng từ tiến bán trứng gà.
Xã Tân Phú Tây đã tập trung huy động mọi nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các công trình, dự án kiên cố hóa trường lớp, y tế và giao thông nông thôn…, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Phú Tây Bùi Văn Tuấn cho hay, từ khi xã được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2017, đến nay mức sống của người dân có bước phát triển rất lớn so với trước đây. Nhờ vậy, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tân Phú Tây từ giảm xuống còn 2,42%; thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 đạt 56,48 triệu đồng/người/năm.
Thời gian tới, Tân Phú Tây tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xác định nông nghiệp là chủ yếu của địa phương. Ngoài ra, xã tìm giải pháp phát triển sản xuất phù hợp, tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân, thông qua tổ chức lại sản xuất, liên kết, hợp tác, nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong nông nghiệp; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước hình thành chuỗi giá trị.
Xã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, chất lượng tốt gắn với nhu cầu thị trường, chủ động phối hợp với ngành chức năng tháo gỡ đầu ra cho nông sản hàng hóa. Địa phương khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển các ngành nghề, các cơ sở sản xuất thiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Qua đó, góp phần đưa Tân Phú Tây sớm hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và ngày càng trù phú, ấm no.