Đưa quyền lợi đến người bệnh
Nhà ở gần trạm y tế phường 11, nhưng trước đây bà Nguyễn Thị Thu chưa một lần đến khám bệnh tại đây, bởi nhìn từ bên ngoài thì trạm y tế này không đủ tin cậy để bà "gửi gắm" sức khỏe của mình. Bà Thu thường phải nhờ con cháu chở đến bệnh viện quận hoặc các bệnh viện thành phố để khám bệnh và mỗi lần đi khám như vậy cũng hết gần một ngày.
Xã hội hóa trạm y tế phường góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở và giảm tải cho tuyến trên. |
Thế nhưng, bây giờ bà không phải đi xa khám bệnh nữa mà đến ngay trạm y tế phường 11 để khám. Bà phấn khởi chia sẻ: "Bữa nay tôi không phải đi khám bệnh ở xa và cũng không phải làm phiền con cháu chở đi khám bệnh nữa vì tôi thấy trạm y tế này đã thay đổi khác hẳn so với trước đây. Tới đây, tôi cũng được làm các xét nghiệm, trạm y tế cũng sạch sẽ và khang trang hơn, bác sĩ và nhân viên y tế đón tiếp nhiệt tình".
Trạm y tế phường 11 là sự nâng cấp và kết hợp giữa cơ sở y tế địa phương với mô hình phòng khám đa khoa hiện đại. Với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng được Công ty cổ phần y tế Việt Anh đầu tư xây dựng, trạm y tế này được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế theo đúng tiêu chuẩn, như máy siêu âm 4D, máy X quang kỹ thuật số, máy xét nghiệm sinh hóa huyết học tự động... giúp hoạt động chẩn đoán tại trạm y tế tốt hơn. Bên cạnh đó, trạm y tế này còn được bổ sung đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, được tư vấn hỗ trợ về mặt chuyên môn từ các bệnh viện lớn cấp thành phố cũng như cấp Trung ương.
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng trạm y tế phường 11, trước đây trạm y tế phường không khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, nhưng sắp tới, với mô hình này, trạm sẽ triển khai khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh sẽ được hưởng theo đúng quy định như ở các cơ sở y tế khác. Hiện mức giá khám bệnh ở đây từ 80.000 - 100.000 đồng/lượt, từ khám thông thường đến chuyên sâu. Mức giá nói trên cố định cho trong và ngoài giờ hành chính.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, mô hình phòng khám đa khoa tư nhân đầu tiên trong trạm y tế là một mô hình mới theo chủ trương của UBND TP Hồ Chí Minh. Hoạt động của mô hình này được thực hiện theo nguyên lý y học gia đình, thực hiện khám bảo hiểm y tế. Theo đó, mô hình trạm y tế xã hội hóa được thực hiện các nhiệm vụ từ phục vụ công tác khám chữa bệnh ban đầu, khám bảo hiểm y tế, khám sức khỏe, trở thành tuyến kế cận giảm tải cho các tuyến trên, đặc biệt phát huy hoạt động bác sĩ gia đình. Trong đó, cơ sở y tế địa phương vẫn giữ nguyên các chức năng nhiệm vụ theo quy định như tiêm chủng, phòng ngừa, kiểm soát dịch, khám chữa bệnh cho gia đình thuộc diện chính sách.
Nhân rộng mô hình
Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số lượt khám chữa bệnh trong quý 1/2017 của toàn thành phố tăng 7,4% so với cùng kỳ. Tỷ lệ phân bố số lượt khám chữa bệnh tại trạm y tế tiếp tục giảm 1%, đòi hỏi ngành y tế cần đẩy mạnh việc nhân rộng những mô hình mới nhằm tạo niềm tin và thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay, hoạt động của trạm y tế hiện nay ở TP Hồ Chí Minh phần lớn là hoạt động phòng chống dịch bệnh và quản lý giám sát các chương trình chăm sóc sức khỏe. Chỉ một số trạm y tế mới có đủ nhân lực thực hiện khám bệnh toàn thời gian và cũng chỉ trong phạm vi của nội khoa. Trong năm 2016, Sở Y tế đã triển khai thí điểm mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận Thủ Đức đến trạm y tế và năm nay tiếp tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn quận 2, quận Tân Phú, Bình Tân...
"Việc triển khai phòng khám xã hội hóa tại trạm y tế phường 11 là một mô hình mới tại trạm y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở. Nếu phòng khám này thực hiện tốt và được nhân rộng trên toàn quận chắc chắn sẽ góp phần từng bước giảm tình trạng chuyển bệnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên", ông Bỉnh cho biết thêm. Dự án xã hội hóa trạm y tế phường, xã được triển khai dựa trên quyết định của Bộ Y tế về kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 và quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh về quy hoạch phát triển ngành y tế thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. |
Đại diện Công ty cổ phần y tế Việt Anh, ông Phan Quốc Việt cũng cho biết: “Mục tiêu của dự án trạm y tế là xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe hiện đại kiểu mẫu, lấy bệnh nhân làm trung tâm với những dịch vụ chất lượng. Chúng tôi sẽ tập trung phát huy mô hình bác sỹ gia đình, tăng cường hoạt động theo dõi tầm soát sức khỏe và phòng bệnh với việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh ban đầu, trở thành tuyến kế cận giảm tải cho các tuyến trên. Đặc biệt, toàn bộ hoạt động của trạm y tế sẽ được áp dụng các công nghệ thông tin tiên tiến từ khâu quản lý cho đến thăm khám và điều trị".
Từ nhiều năm nay tại TP Hồ Chí Minh, hoạt động xã hội hóa đã được triển khai tại các bệnh viện tuyến thành phố và các bệnh viện tuyến quận, huyện với nhiều hình thức khác nhau. Việc triển khai phòng khám xã hội hóa tại trạm y tế phường là một mô hình mới, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở và giảm tải cho tuyến trên. Dự kiến, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại hệ thống trạm y tế các phường lân cận trên địa bàn quận 3 và lần lượt các quận 1, quận 2, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè và nhiều quận, huyện khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.