Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng 6 cầu vượt thép tại các giao lộ để khắc phục tình trạng kẹt xe tại các địa điểm này. Tuy nhiên, khi 6 cầu vượt này được đưa vào sử dụng thì lại phát sinh những điểm tắc mới xung quanh cầu.
Thông chỗ này, tắc chỗ kia
Có mặt tại vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) lúc 17 giờ, chúng tôi nhận thấy hàng trăm phương tiện từ bốn hướng đổ về chen chúc, nhích từng mét đường đi qua vòng xoay phía dưới, trong khi cầu vượt bên trên vòng xoay, hướng từ quận 2 vào trung tâm thành phố, chỉ lác đác vài chiếc xe ô tô chạy với tốc độ cao.
Cầu vượt Hàng Xanh chỉ có vài chiếc xe ô tô chạy qua trong giờ cao điểm. |
Nhiều người dân sống khu vực này cho biết, sau khi có cầu vượt, tình trạng ùn ứ giao thông trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn ngay từ vòng xoay Hàng Xanh đến ngã ba đường Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh trở nên nặng thêm. Anh Nguyễn Văn Long, người dân thường xuyên đi lại trên tuyến đường này, than thở: “Cơ quan tôi ở Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3). Tôi thường đi qua đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ra vòng xoay Hàng Xanh, rồi qua cầu Bình Triệu để về nhà. Cứ đúng giờ tan tầm, tại vòng xoay này thường bị kẹt xe vì các phương tiện từ 3 hướng còn lại đổ vào. Cầu vượt chỉ giảm bớt được một lượng xe ô tô đi thẳng đường Điện Biên Phủ hướng về quận 1 mà thôi, chứ dưới gầm cầu vẫn bị ùn ứ”.
Trong khi đó, tại cầu vượt nút giao Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (quận Tân Bình) vào giờ cao điểm cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đoạn đường Cộng Hòa hướng từ quận Tân Bình đi quận 12 đông nghẹt người. Vừa xuống cầu vượt Hoàng Hoa Thám, hàng trăm xe ô tô, xe gắn máy phải chen chúc, dồn ứ tại ngã 3 Ấp Bắc - Cộng Hòa. Còn tại cầu vượt Lăng Cha Cả, dưới gầm cầu vào giờ cao điểm cũng xảy ra tình trạng ùn ứ tại đoạn giao nhau giữa đường Cộng Hòa - Thăng Long vì lượng xe rẽ phải từ vòng xoay vào đường Thăng Long đã “chặn dòng” xe đi thẳng từ Trần Quốc Hoàn về Cộng Hòa.
“Những nút giao tại đoạn cầu vượt Hoàng Hoa Thám chưa đến mức bức thiết phải làm cầu, chỉ cần giải tỏa bốn góc để thông thoáng tầm nhìn và tổ chức phân luồng lại giao thông là được. Nút giao tại đây quá nhỏ, làm cầu vượt với diện tích hẹp, không có đoạn trộn dòng khi vào, ra cầu sẽ rất dễ gây tai nạn. Còn cầu vượt Lăng Cha Cả, Hàng Xanh cơ bản rất thông thoáng, chỉ đến giờ cao điểm mới bị ùn ứ. Nguyên nhân là do chưa tổ chức tốt giao thông bên dưới cầu”, Th.S Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nhận định.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia giao thông, việc xây dựng cầu vượt thép của TP Hồ Chí Minh hiện nay chỉ chú trọng giảm ùn tắc ở nút giao cắt, chứ chưa hướng đến mạch giao thông nên hiện tượng ùn ứ xảy ra là điều không thể tránh khỏi. GS.TSKH Lê Huy Bá, trường ĐH Công Nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận: “Cầu vượt giúp giảm ùn tắc điểm này thì sẽ gây ra dồn ứ điểm khác, vì trên tuyến đường cầu vượt dẫn qua còn có nhiều ngã ba, ngã tư chia cắt nhau. Thực tế, nhiều phương tiện sẽ đi nhanh hơn đến nút, tuyến đường khác và bắt đầu dồn ứ tại đó. Mặt khác, các cầu vượt bằng thép này còn phá vỡ không gian đô thị”.
Tính lại bài toán quy hoạch
Tình trạng giao thông ùn ứ vào giờ cao điểm không chỉ xảy ra ở các khu vực nói trên, mà còn xuất hiện tại nhiều tuyến đường có cầu vượt như Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 (quận 10), khu vực vòng xoay Cây Gõ (quận 6). ThS. Phạm Sanh cảnh báo: “Tới đây, nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Thành Thái sẽ lại xảy ra tình trạng ùn ứ như ở Lăng Cha Cả nếu thành phố không tổ chức phân tuyến giao thông. Nút Cây Gõ cũng sẽ hứng chịu luồng phương tiện dồn về. Đó là hậu quả của việc chỉ lo xây cầu đường mà thiếu những giải pháp giao thông”.
Để giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông tại các điểm nối tiếp cầu vượt nói trên, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Khu Quản lý Giao thông xem xét tổ chức phân luồng giao thông hợp lý như: phân luồng ô tô theo hướng khác để giảm tải ở khu vực cầu vượt Lăng Cha Cả, mở góc tiểu đảo để dòng xe từ đường Lê Văn Sỹ vào đường Cộng Hòa... ThS.Phạm Sanh kiến nghị: “Tổ chức lại giao thông trên đường Cộng Hòa sẽ giải quyết được tình trạng ùn ứ tại đây. Đối với cầu vượt tại vòng xoay Hàng Xanh, phải cho phép xe gắn máy qua cầu vượt để giảm ùn ứ dưới cầu. Về lâu dài, thành phố phải mở rộng đường, nhất là những tuyến đường có lề quá lớn. Các góc ngã tư, ngã năm phải được giải tỏa để mở rộng tầm nhìn, giảm áp lực giao thông, chứ không nhất thiết phải xây dựng thêm cầu vượt”.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc thành phố phải quy hoạch lại hệ thống giao thông sao cho việc quy hoạch phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội. “Cách làm như hiện nay mới chỉ giải quyết tình trạng ách tắc giao thông theo kiểu “tình huống”, chưa đem lại hiệu quả”, ThS. Phạm Sanh cho biết.
Bài và ảnh: Anh Đức