Từ thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết với chủ đề "Xây dựng chuỗi cung ứng lao động bền vững", phản ánh những khó khăn, bất cập của thị trường lao động tại khu vực này cũng như các giải pháp, kiến nghị để xây dựng một thị trường lao động ổn định, có những đóng góp tích cực hơn nữa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng; nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế các địa phương trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Bài 1: Thị trường lao động thiếu ổn định
Vừa trải qua 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, việc làm bấp bênh, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhiều công nhân ở khu vực Đông Nam Bộ “bất ngờ” bị giảm giờ làm, tạm thời ngưng việc, cho nghỉ việc do nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thiếu vốn để duy trì hoạt động. Dù không ai muốn nhưng trước những diễn biến khó lường của cuộc sống, từ dịch bệnh đến thị trường đã làm cho việc làm của người lao động ngày trở nên khó khăn hơn, thậm chí vô vùng bấp bênh.
Bấp bênh việc làm
Nhiều công nhân, người lao động không khỏi “ngỡ ngàng”, lo lắng khi bị mất việc làm, mất thu nhập, nhất là tại thời điểm nhiều khó khăn. Người đi xin việc nhiều mà công việc thì ít, một số công nhân lao động lớn tuổi càng khó tìm việc. Một số trường hợp vốn dĩ có thu nhập vừa đủ chi tiêu trong thời điểm mọi vật giá đều leo thang, hay trường hợp nuôi con nhỏ, người già hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo thì không khỏi lo lắng cho những này sắp tới.
Chị V.T.Thoa, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam (ngụ tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) đã đến nhiều nơi để tìm việc mới kể từ khi công ty có thông báo ngưng hợp đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có nơi nào nhận. Chồng chị Thoa chạy xe thuê theo hợp đồng bữa có, bữa không nên việc gồng gánh nuôi 4 đứa con trong độ tuổi ăn học thật sự khó chồng khó. “Gia đình ngày càng khó khăn nhưng may mắn mấy đứa nhỏ chịu học hành, chăm ngoan. Các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho gia đình, tôi mừng lắm”, chị Thoa chia sẻ.
Trong hoàn cảnh tương tự, dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng chị L.M. Ngọc, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng (quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) không khỏi bị hụt hẫng khi bị mất việc vì công ty không có đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh… Chị Ngọc cũng như nhiều đồng nghiệp trong những ngày làm việc ít ỏi còn lại ở công ty, không giấu được nỗi buồn, lo lắng khi biết rằng chẳng còn cơ hội và khó có thể thoát khỏi cảnh thất nghiệp và thật sự lo lắng cho tương lai, chưa biết sẽ đi đâu, về đâu.
Tưởng chừng vượt qua được khó khăn sau 2 năm dịch COVID-19, nhưng giờ đây mọi thứ với doanh nghiệp, những người lao động thật sự khó đoán và nhiều khó khăn, nhất là những ngành hàng phụ thuộc vào xuất khẩu. Không ít gia đình công nhân ngoại tỉnh đã lần lượt đưa con cái về quê ở với ông bà; thậm chí vợ rồi chồng cũng lần lượt trở lại quê hương khi doanh nghiệp giảm giờ làm, giảm thu nhập, việc làm ngày càng bấp bênh.
Tiễn chồng và hai con về quê Thừa Thiên - Huế sau nhiều tháng không tìm được việc làm, chị H.T.Trang, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Ampfield (ở khu Công nghiệp Tân Bình) ngậm ngùi ở lại Thành phố bám trụ cùng công ty dẫu đơn hàng cũng đã giảm mạnh. Chị Trang là một trong 78 công nhân còn lại (doanh nghiệp trước trên 700 công nhân) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi công ty tiếp tục dự báo giảm giờ làm. “Còn đơn hàng, người lao động còn việc làm là điều may mắn, nhất là so với gần 700 công nhân của công ty đã nghỉ việc. Hiện nhiều doanh nghiệp không giữ chân được công nhân, người lao động bởi không có đơn hàng để sản xuất; một số doanh nghiệp buộc phải giải thể còn người lao động thì dư thừa hơn bao giờ hết”, chị Trang chia sẻ.
Nhớ lại thời gian khó khăn vừa qua trong việc tuyển dụng lao động, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam, doanh nghiệp có thời điểm có đến hơn 50.000 công nhân, chia sẻ: Khi dịch bùng phát, hàng ngàn người lao động vừa lo lắng cho cuộc sống mưu sinh tại thành phố, vừa lo tình hình dịch bệnh không biết tái diễn khi nào nên đã ồ ạt kéo về quê. Sau khi Thành phố kiểm soát được dịch bệnh, doanh nghiệp cũng đã tăng tốc tuyển dụng để hoàn tất đơn hàng thiếu hụt sau chuỗi thời gian dịch bệnh kéo dài. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động mới chưa đạt được như con số ban đầu thì phải tạm ngưng, thậm chí đã phải cắt giảm lượng lớn số lượng lao động bởi những tác động từ khó khăn của thị trường thế giới.
Lao động bị giảm giờ làm, mất việc hàng loạt không chỉ xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là thực trạng tại nhiều tỉnh, thành phố khác, nhất là các khu công nghiệp ở các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I năm 2023, cả nước có gần 294.000 lao động nghỉ, giãn việc (giảm 2.000 người so với quý IV/2022) và tập trung nhiều ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%). Các địa phương có số lao động nghỉ, giãn việc nhiều là Tây Ninh khoảng 21.800 người, Bình Dương khoảng 36.400 người, Đồng Nai khoảng 35.000 người, Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 19.800 người… Tương tự, trong quý I/2023, cả nước ghi nhận có 149.000 lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp (so với quý IV/2022 là 118.000 lao đông bị mất việc) và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh như Đồng Nai khoảng gần 32.600 người, Bình Dương khoảng gần 21.700 người…
Chung tay gỡ khó
Đông Nam Bộ là vùng có hoạt động sản xuất công nghiệp sôi động nhất cả nước, với hàng trăm khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như tập trung rất nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Thực tế trên cũng đã thu hút hàng triệu lao động từ khắp nơi trong cả nước đổ về để tìm kiếm việc làm, làm việc. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, vấn đề quản lý lao động đến các địa phương làm việc còn rất nhiều hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến khi có những “diễn biến bất ngờ”, rất nhiều địa phương trở tay không kịp.
Có lẽ, một trong những điển hình về sự biến động của thị trường lao động lớn nhất được thể hiện qua đợt dịch COVID-19 xảy ra vừa qua. Hàng triệu lao động “ồ ạt” kéo nhau về quê trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Sự kiện biến động về nguồn lao động lớn khiến cho các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương và cả cộng đồng doanh nghiệp “trở tay” không kịp, tác động lớn đến tình hình trật tự xã hội, công tác phòng, chống dịch bệnh và sản xuất kinh doanh.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động và lực lượng lao động làm việc trong các thành phần kinh tế lớn nhất cả nước, trong đó, số lao động ngoại tỉnh đến Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ không nhỏ (khoảng 20% dân số). Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dẫu mọi việc tác động ngoài ý muốn, nhưng tình hình công nhân phải nghỉ việc một cách bị động, nhất là tại thời điểm trước và sau Tết năm 2023 tạo nên áp lực rất lớn cho gia đình, cộng đồng và cả xã hội. Để chủ động trong nhiều tình huống phát sinh, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công đoàn thường xuyên gắn kết, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động đến doanh nghiệp; chủ động phối hợp với doanh nghiệp, chính quyền địa phương và ngành chức năng tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn; thúc đẩy xây dựng mối quan hệ hài hòa tiến bộ trong doanh nghiệp.
Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp cùng các đơn vị quản lý, chính quyền địa phương thực hiện giám sát chặt chẽ, nắm chắc tình hình lao động, khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, đồng thời thực hiện chi hỗ trợ, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Công đoàn tăng cường công tác đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để xây dựng phương án sử dụng lao động, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng. Đồng thời, phối hợp cùng các cấp, ngành tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, ngày hội việc làm; giới thiệu doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng giải quyết việc làm cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, Thành phố đang tập trung thực hiện chính sách về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bù đắp chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống do bị mất việc. Các đơn vị liên quan như Trung tâm Giới thiệu việc làm, trường nghề... tăng cường hỗ trợ, tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu tìm kiếm việc làm mới; bố trí nguồn lực, đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, các trung tâm dịch vụ việc làm thành phố cũng đã triển khai các sàn giao dịch việc làm trực tuyến khu vực, vùng miền, kết nối doanh nghiệp và người lao động để nắm bắt yêu cầu tuyển dụng trong quá trình giao dịch, thỏa thuận trước khi nhận việc để không mất thời gian của người lao động khi quay trở lại tỉnh, thành phố tìm kiếm việc làm.
Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đối với lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, hỗ trợ người lao động tiếp cận vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ xoá đói giảm nghèo, Tổ chức tài chính vi mô CEP… để chuyển đổi công việc, tự tạo việc làm; thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn và theo thực tế nhu cầu của người lao động và nhu cầu của thị trường. Mặt khác, Thành phố vận động, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động thông qua việc tăng cường chế độ phúc lợi cho người lao động và tham gia vào các chương trình phúc lợi do cơ quan tổ chức khác phát động và tổ chức; quan tâm đến người lao động làm công việc giản đơn, lao động ngoại tỉnh làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhằm tạo sự gắn bó lâu dài với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Bài 2: Sớm hoàn thiện cơ chế quản lý nguồn lao động