Xây dựng cơ chế đối thoại giữa DN và người lao động

Doanh nghiệp (DN) nào có công đoàn cơ sở vững mạnh, người lao động được đối thoại thường xuyên với chủ DN để giải quyết các mâu thuẫn, thì nơi đó không xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể, hay đình công tự phát...


Đa số tự phát

Mới đây, hơn 300 công nhân công ty TNHH R.D Sài Gòn (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) đã ngừng việc tập thể vì quá bức xúc trước những chính sách vô lý mà công ty đưa ra. Chị N.T.A, công nhân công ty TNHH R.D Sài Gòn cho hay: “Chúng tôi đình công để đòi lại quyền lợi cho mình. Các chính sách của công ty áp dụng rất khắt khe, vô lý. Ví dụ như trong quá trình làm việc nếu làm rơi hàng sẽ bị phạt 100.000 đồng, nếu làm rơi lần thứ hai, lần thứ ba thì bị phạt gấp đôi, gấp ba... Công nhân nếu nghỉ làm quá 3 ngày/tháng sẽ bị trừ tiền thưởng, lương. Mỗi tháng thu nhập của một công nhân trung bình hơn 5 triệu đồng, vậy mà áp dụng các quy định trên càng khiến cuộc sống của công nhân khó khăn hơn”.

Nơi nào có công đoàn cơ sở vững mạnh nơi đó ít xảy ra tranh chấp lao động.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm xảy ra 450 vụ ngừng việc tập thể và đình công. Số vụ tăng giảm tùy theo từng năm, nhưng tính chất, quy mô thì ngày càng diễn biến phức tạp, không còn là hiện tượng, mà đã trở thành một thực trạng đáng quan tâm. Gần như 100% cuộc đình công, ngừng việc tập thể đều là tự phát, không có sự tham gia của tổ chức công đoàn, phần lớn các cuộc ngừng việc đều xuất phát từ việc vi phạm các quy định về pháp luật lao động của doanh nghiệp. Trong đó, 80 - 90% liên quan đến chế độ tiền lương như mức lương thấp, không được tăng lương theo cam kết, bị nợ lương… Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như tăng ca quá nhiều, điều kiện, môi trường làm việc chưa bảo đảm; người lao động không được ký hợp đồng lao động và tham gia BHXH, BHYT đúng quy định...

Ông Nguyễn Việt Cường, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, người lao động vẫn thường sử dụng công cụ đình công, ngừng việc tập thể như là thứ “vũ khí” đầu tiên khi họ bức xúc với DN. Nguyên nhân là do cơ chế thương lượng giữa DN và người lao động chưa có hoặc có nhưng không hoàn chỉnh. Người lao động không được đối thoại, không được nêu bức xúc của mình. Người lao động cũng không tìm đến công đoàn cơ sở, vì họ chưa thực sự thấy công đoàn là chỗ dựa, là nơi bảo vệ khi họ bị xâm hại quyền lợi. Thực tế qua các cuộc đình công tự phát vừa qua, công đoàn cơ sở chưa thể hiện được chức năng của tổ chức công đoàn vì cán bộ công đoàn bị phụ thuộc về việc làm, thu nhập vào chủ sử dụng lao động nên chưa kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động và tổ chức, lãnh đạo đình công.

Cần có cơ chế đối thoại

Bà Nguyễn Thị Dân, nguyên Trưởng phòng tiền lương tiền công, thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết, ngừng việc tập thể không chỉ gây phương hại về lợi ích kinh tế cho DN, mà còn tác động xấu đến mối quan hệ lao động, ảnh hưởng đến việc phát triển lâu dài của DN. Hầu hết các cuộc ngừng việc xảy ra trong thời gian qua đều được giải quyết sau khi chủ doanh nghiệp thể hiện thiện chí, xem xét và thực hiện các yêu cầu, đòi hỏi chính đáng từ phía tập thể người lao động, dưới sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý địa phương.

“Để hạn chế tình trạng đình công, ngừng việc tập thể, DN cần phải xây dựng được cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hai chiều một cách thường xuyên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tập thể người lao động về chế độ lương, thưởng, cải thiện điều kiện làm việc... Từ đó, DN mới có thể đưa ra những chính sách kịp thời, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Ngược lại, DN có thể chia sẻ những khó khăn với tập thể người lao động để họ có thể hiểu, đồng hành vì sự phát triển ổn định, lâu dài của DN”, bà Dân chia sẻ thêm.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, ngoài việc tổ chức những buổi đối thoại với người lao động, DN cũng cần xây dựng thỏa ước lao động tập thể công bằng, minh bạch để DN và người lao động căn cứ vào những nội dung đã cam kết, có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhằm hạn chế phát sinh mâu thuẫn giữa hai bên trong tương lai. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động tới người lao động để người lao động không tham gia đình công, ngừng việc tập thể tự phát. Đặc biệt, DN cần phát huy vai trò lãnh đạo, đại diện của công đoàn cơ sở để họ đại diện người lao động đòi lại quyền lợi cho người lao động. Để làm được điều đó, cần xây dựng cơ chế chi trả tiền lương cho cán bộ công đoàn độc lập với DN để cán bộ công đoàn có thể tập trung làm việc, đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động, mà không lo bị mất việc, cắt lương.

Hoàng Tuyết
Công đoàn đề nghị tăng vốn cho công nhân vay

Các cấp công đoàn Hà Nội đã bảo lãnh, tín chấp cho 1.813 hộ gia đình công nhân, viên chức - lao động vay vốn, giải quyết việc làm cho 2.320 lao động với mức thu nhập bình quân từ 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN