Cùng với các thiết chế văn hóa khác, thư viện góp sức tích cực đáp ứng nhu cầu đọc của người dân và giúp hình thành nên con người toàn diện, có trí tuệ, có nhân cách, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp nhận, cập nhật tri thức không ngừng để thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại.
Phát triển văn hóa đọc sẽ góp phần nâng cao dân trí, phát triển khả năng tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn của con người Việt Nam, giúp cho dân tộc Việt Nam có đủ bản lĩnh, năng lực tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, thích ứng với sự đa dạng, thay đổi nhanh chóng của thời đại.
Văn hóa đọc góp phần nâng cao dân trí
Phú Tân là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, với gần 15.000 nhân khẩu. Nhận thức được vai trò của việc đọc sách báo, UBND xã đã thành lập Thư viện xã Phú Tân.
Được sự hỗ trợ của Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam”, Thư viện đã được trang bị 5 máy tính.
Để tiện cho nông dân và học sinh đến sử dụng, Thư viện đã kết hợp với trung tâm học tập cộng đồng để cùng triển khai các hoạt động. Thư viện không chỉ là nơi đọc sách mà còn hướng dẫn cho trẻ em, người dân cách sử dụng máy tính và internet.
Người dân nơi đây đặc biệt hứng thú với các hoạt động của Thư viện. Học sinh đến sử dụng máy tính để học và giải bài tập, những người nông dân đến tìm hiểu các sách khuyến nông và tra tìm tài liệu, thông tin về nuôi trồng trên mạng internet…
Trong khi đó, nói về thư viện ở địa phương, Chủ nhiệm Thư viện thôn Phú Mẫn (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) Lê Thị Ký cho biết: Thư viện thôn Phú Mẫn được trang bị phòng đọc rộng 80 m2 với gần 20.000 bản sách các loại, từ 3 - 5 đầu báo hằng ngày. Ðều đặn 3 buổi mỗi tuần, Thư viện phục vụ trên 150 bạn đọc thường xuyên là học sinh, cán bộ về hưu, người cao tuổi đến đọc tại chỗ. Thư viện còn tổ chức tốt việc tra cứu tài liệu tại chỗ và truy cập internet. Thông qua các hoạt động, Thư viện góp phần tuyên truyền, vận động người dân ở mọi lứa tuổi tích cực đọc sách nâng cao hiểu biết, vận dụng tốt vào rèn luyện sức khỏe cho người cao tuổi, nâng cao tri thức, vận dụng tri thức đã đọc vào lao động sản xuất, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt cộng đồng…
Tại tỉnh Vĩnh Long, Thư viện tư nhân Tứ Hưng của gia đình ông Huỳnh Tấn Hưng (ấp 8, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) phục vụ 7 ngày trong tuần, với nhiều thể loại sách, báo, góp phần khơi nguồn đam mê đọc sách trong cộng đồng. Có thể nói rằng, Thư viện Tứ Hưng đã góp phần nâng cao dân trí, giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, bổ trợ kiến thức học tập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho lực lượng cán bộ ấp…
Thư viện tư nhân Tứ Hưng còn là địa điểm hội họp của ấp và tổ nhân dân tự quản, giao lưu văn nghệ, qua đó tạo nên sự gắn kết cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở ấp 8 và chung sức xây dựng nông thôn mới tại xã Mỹ Lộc.
Đánh giá vai trò của thư viện trong việc góp phần nâng cao dân trí, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định: Thư viện là một thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng góp phần cung cấp thông tin và tri thức đầy đủ, kịp thời và chính xác cho người dân. Bằng hoạt động phục vụ sách báo tại thư viện; luân chuyển sách báo đến cơ sở, vùng sâu vùng xa, thư viện đã góp phần tuyên truyền, giới thiệu sách báo, cung cấp các sản phẩm thông tin hữu ích cho người dân…
Hệ thống các thư viện ở Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, khuyến khích người dân tham gia đọc sách để tiếp cận không hạn chế, tiếp cận nguồn tri thức của xã hội, làm gia tăng sự hiểu biết, xây dựng nếp sống văn minh, lối sống văn hóa, ý thức tuân thủ pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa và giao lưu giữa các nền văn hóa, khơi dậy các phong trào hoạt động vì sự tiến bộ của cộng đồng và nhân loại…
Phát triển văn hóa đọc để nâng cao nhận thức
Nghị Quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội”. Văn hóa đọc - một bộ phận của văn hóa là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại, xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức.
Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực - nhân tố quyết định mọi thành công. Phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước góp phần đem lại cho dân tộc Việt Nam sức mạnh của trí tuệ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nhận thấy việc phát triển văn hóa đọc có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tri thức xã hội, ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Đây là bước cụ thể hóa thực hiện Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2020 với mục tiêu “Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”, góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước” mà Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI của Đảng đã đặt ra.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà cho biết: Để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, tạo môi trường cho người dân học tập suốt đời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết các chương trình phối hợp công tác với các bộ ngành, cơ quan, tổ chức thực hiện nhiều chương trình hữu ích. Trong đó có việc triển khai Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”; đặc biệt tạo điều kiện, bố trí kinh phí và các nguồn lực khác để các thư viện tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc nhân Ngày Sách Việt Nam (21/4), hưởng ứng ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4) tại các địa phương.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013-2020; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện. Bộ phối hợp với Bộ Công an tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng....
Trong thời gian tới, ngành Thư viện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thư viện, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện, huy động mọi nguồn lực của xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc, tạo điều kiện để thư viện trở thành môi trường cho người dân học tập suốt đời. Thông qua đó, mỗi người hình thành ý thức tôn trọng pháp luật, có hiểu biết sâu sắc, về lịch sử, văn hoá dân tộc, biết tiếp nhận tinh hoa văn hóa của thế giới, biết trân trọng và vươn tới cái đúng, cái tốt đẹp, cao thượng; dám đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác; tích cực ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội…
Học tập suốt đời sẽ là cách thức tốt nhất góp phần phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn của con người Việt Nam, giúp cho dân tộc Việt Nam có đủ bản lĩnh, năng lực tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, thích ứng với sự đa dạng, thay đổi nhanh chóng của thời đại, làm giàu cho cuộc sống của mình và xây dựng đất nước.
Bài 3: Đổi mới giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ