Xây dựng môi trường thân thiện với phụ nữ, trẻ em - Bài cuối: Xây dựng không gian công cộng an toàn 

Cùng với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Trong đó, tập trung các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức và cộng đồng; tăng cường các giải pháp đảm bảo nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được hỗ trợ, can thiệp kịp thời; người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, tư vấn hoặc có hình thức xử lý phù hợp.

Chú thích ảnh
Ra mắt xe buýt màu cam để ngăn chặn quấy rối tình dục. Ảnh: Hoài Nam/Báo Tin tức

 Điểm sáng về bình đẳng và bạo lực trên cơ sở giới

Triển khai thực hiện “Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2011 - 2020”, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước biên soạn, phát hành tài liệu “Hướng dẫn ngân sách có trách nhiệm giới trong hoạt động thẩm tra, giám sát thực hiện ngân sách của Hội đồng nhân dân”.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây được xem là một công cụ giúp các ngành có trách nhiệm đưa các vấn đề bất bình đẳng giới vào quá trình lên kế hoạch, ngân sách cho hoạt động của ngành và đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ đóng vai trò rà soát, thúc đẩy các cam kết ngân sách thực hiện.

Từ việc bố trí ngân sách có trách nhiệm giới, tại nhiều địa phương, các cấp ngành đã đẩy mạnh, đa dạng các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa quấy rối tình dục. Điển hình như mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” của thành phố Thủ Đức; mô hình “Cải tạo hẻm Khu phố phường 1 Chợ hoa Hồ Thị Kỷ”, “Cải tạo Nhà vệ sinh công cộng tại các chợ truyền thống và các trường học trên địa bàn Quận 10”…

Ở các cấp ngành, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho ra đời mô hình “Lồng ghép giới và ngân sách giới trong lĩnh vực cải tạo cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ giao thông công cộng”. Theo đó, đơn vị này đã cải tạo và vận hành hai tuyến xe buýt (số 53 và số 93) màu cam, dán thông điệp truyền thông về phòng ngừa bạo lực giới, an toàn với phụ nữ và trẻ em; gắn camera, đèn chiếu sáng toàn bộ hệ thống xe buýt và 252/6 nhà chờ… 

Ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm khẳng định, mô hình này góp phần không nhỏ trong việc truyền thông, giám sát, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi quấy rối, xâm hại tình dục, đảm bảo cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em…

Đặc biệt, mô hình “Dịch vụ một cửa hỗ trợ các trường hợp bệnh nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục tại bệnh viện Hùng Vương” còn cung cấp dịch vụ khám, điệm trị đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, bảo mật thông tin, môi trường thân thiện. Mô hình “Câu lạc bộ Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới” tại Quận 1, 10, Đoàn Thanh niên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sư đoàn 9 trực thuộc Quân đoàn 4… giúp nam giới có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề quấy rối tình dục, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; đồng thời, lan tỏa các cam kết chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, tích cực xây dựng môi trường an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em.

Riêng với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng ban Chính sách luật pháp của Hội cho biết, các cấp Hội luôn chú trọng công tác bình đẳng giới thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ; thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em; đồng thời tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.         

Thống kê 10 năm thực hiện Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp vượt so với yêu cầu về “Tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ”; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 đều đạt và vượt so với 2 nhiệm kỳ trước. Thành phố đã xây dựng 7 mục tiêu và 26 chỉ tiêu về về bình đẳng giới (nhiều hơn 4 chỉ tiêu so với Chiến lược của Chính phủ); thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, giáo dục đào tạo, y tế; bình đẳng giới trong gia đình, văn hóa thông tin và phòng, chống mua bán người.

Đại diện UN Women nhìn nhận, nhiều mô hình, hoạt động tại thành phố đã và đang được nhân rộng thành chiến dịch truyền thông vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; khẳng định sự kết nối giữa các bên liên quan trong việc đồng hành triển khai có hiệu quả “Chương trình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”. UN Women ghi nhận Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung là quốc gia thứ 27/30 tham gia “Sáng kiến Thành phố an toàn và không gian công cộng an toàn với phụ nữ và trẻ em toàn cầu” và là Thành phố thứ 106 thắp đèn cam tòa nhà Ủy ban nhân dân thành phố.

Nói ít, làm nhiều

Theo các chuyên gia về bình đẳng giới, từ năm 2015 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên trong nước có cam kết thúc đẩy và thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới và được chia sẻ cùng với Quốc hội và các bộ ngành liên quan. Ngoài ra, việc hỗ trợ kỹ thuật của UN Women Việt Nam, các cam kết của thành phố được cụ thể hóa qua nhiều hoạt động hướng đến mục tiêu xây dựng một thành phố an toàn với phụ nữ, trẻ em gái.

Trên cơ sở đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tầm nhìn đến năm 2030”, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới Thành phố cũng vừa xây dựng kế hoạch hoạt động cho “Chương trình Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2017 - 2025”. Trong đó, các giải pháp, khung giám sát tập trung vào cải tạo cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu giới, rà soát các chính sách, dịch vụ đề xuất xây dựng các tiêu chí đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em.

Thành phố yêu cầu các cơ sở bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng trẻ em tăng cường kiểm soát nội bộ trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; các sở, ngành, đoàn thể và địa phương xây dựng, triển khai các biện pháp phòng ngừa bạo lực, quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em ở nơi công cộng, nhất là ở những nơi có nguy cơ cao. Mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý đồng bộ nhằm đem lại kết quả tốt nhất cho phụ nữ và trẻ em.

Theo ông Trần Ngọc Sơn, thách thức lớn nhất hiện nay là các khuôn mẫu giới, định kiến về giới vẫn còn tồn tại trong đời sống xã hội và thường bị các thông điệp truyền thông làm trầm trọng hóa bằng cách nhấn mạnh vào vai trò truyền thống của phụ nữ và nam giới. Đây là những rào cản đối với việc thay đổi nhận thức về bình đẳng giới của xã hội.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho rằng, công tác bình đẳng giới hiện là vấn đề có tính chất toàn cầu và được hầu hết các quốc gia quan tâm. Việc phụ nữ được bình đẳng với nam giới khi tham gia vào các hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; được thừa hưởng mọi thành quả từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội là biểu hiện của một xã hội công bằng, tự chủ và văn minh.

Theo ông Võ Văn Hoan, khi phụ nữ được tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, họ có nhiều cơ hội để vươn lên, làm chủ bản thân, gia đình mình và cùng nhau làm chủ xã hội. Do vậy, cần rà soát và tăng cường sự tham gia của thành viên nam, hình thành đường dây nóng tiếp nhận các thông tin phản ánh liên quan đến phụ nữ, trẻ em; cần xây dựng mạng lưới cộng tác viên rộng rãi, phổ biến, có quy chế, tổ chức quản lý và hoạt động mang tính thống nhất.          

“Công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ trong thời gian tới cần nói ít, hành động nhiều ở tất cả các cấp ngành, các giới, để tất cả cùng tham gia và hành động một cách hiệu quả”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.        

Đồng hành cùng nhiều hoạt động phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhìn nhận, nam giới là tác nhân quan trọng cho việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em; khẳng định tầm quan trọng của nam giới trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.    

Bà Elisa Fernandez Saenz đánh giá cao các mô hình truyền thông của thành phố như: “Thắp sáng màu cam tòa nhà Ủy ban nhân dân thành phố”; “Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”; “Công tác xã hội trong hỗ trợ bệnh nhân bạo lực trên cơ sở giới tại cơ sở y tế - Góc nhìn của người trong cuộc”; “Hành trình xe buýt với thanh niên nói không với bạo lực trên cơ sở giới”... Các mô hình, dịch vụ trên đã thúc đẩy các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ những người trong cuộc; qua đó, truyền cảm hứng, tôn vinh những người làm trong lĩnh vực liên quan đến trẻ em, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ và những người đang làm việc trực tiếp với nạn nhân.

Thanh Vũ (TTXVN)
Xây dựng môi trường an toàn thân thiện với phụ nữ, trẻ em - Bài 1: Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Xây dựng môi trường an toàn thân thiện với phụ nữ, trẻ em - Bài 1: Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có nền kinh tế sầm uất và năng động nhất nước với tổng dân số hơn 8,9 triệu người, trong đó nữ chiếm 51,3%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN