Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm thu thập ý kiến của các đại biểu về xây dựng, phát triển văn hóa gia đình trong xã hội đương đại, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội như Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã nêu rõ.
Tại hội thảo, các ý kiến tham luận và phát biểu đã tập trung làm rõ những vấn đề lý luận, quan niệm về gia đình và xây dựng văn hóa gia đình trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; nhận diện, đánh giá thực trạng biến đổi văn hóa gia đình ở nước ta hiện nay trước tác động của toàn cầu hóa, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra; các giải pháp… Các đại biểu cũng đóng góp cho bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có căn cứ triển khai vào thực tiễn cuộc sống.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết: Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bảo của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình cũng là nơi bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chống lại các tệ nạn xã hội, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nêu rõ: Để gia đình tồn tại, phát triển bền vững, văn hóa trong gia đình đóng vai trò quan trọng, gia phong, nếp nhà, truyền thống gia đình có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi, lối sống, đạo đức của mỗi con người là thành viên, giúp họ trở thành công dân tốt của đất nước. Trong xã hội hiện nay, nhiều gia đình đang kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, tiếp tục bổ sung các giá trị mới tốt đẹp của gia đình đương đại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ nhe hiện nay, gia đình Việt Nam cũng đang chịu tác động nhiều chiều, mạnh mẽ, phức tạp dẫn tới những thay đổi nhanh chóng về cấu trúc, quy mô, chức năng của gia đình. Do đó, việc xây dựng văn hóa gia đình trong bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hóa đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Những biểu hiện như ngoại tình, ly hôn, con cái hư hỏng, người già không được quan tâm chăm sóc, bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng… đang đặt ra nhu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh công cuộc xây dựng văn hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước…
Tham luận của Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Tuyết Ánh cho thấy: Trong mối quan hệ giữa nước – nhà; gia đình – xã hội, gia đình luôn chịu những tác động tác động từ các yếu tố nội tại và xã hội theo cả chiều hướng tích cực, tiêu cục. Do vậy, xây dựng văn hóa, gia đình chính là cách hỗ trợ các gia đình phát triển theo chiều hướng tích cực, chống lại những suy thoái về đạo đức, lối sống ngay từ gia đình…Chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình” được xuyên suốt, tập trung nguồn lực triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó có các hoạt động như phòng chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới giữa các thành viên; giáo dục đạo đức lối sống cho các thành viên trong gia đình…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” ra đời từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay đã lan rộng khắp cả nước. Từ thực tế phong trào cho thấy, chỉ có phát huy tốt những giá trị của gia đình truyền thống, phong trào mới đi vào chiều sâu có chất lượng, thật sự lôi cuốn nhiều gia đình tham gia…