Những năm qua, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp xây dựng văn hóa giao thông tạo chuyển biến trên các lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông theo các tiêu chí chân - thiện - mỹ, nâng cao nhận thức và xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, bức tranh văn hóa giao thông ở Thủ đô vẫn không ít mảng tối, vẫn còn những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận người tham gia giao thông; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông vẫn còn xảy ra khá phổ biến…
Cứ lơi lỏng là vi phạm
Theo ngành chức năng, 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Các hành vi như đi không đúng làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, lấn trái đường, thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ,… đều tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho chính người vi phạm và người xung quanh.
Tan tầm buổi chiều, trong lúc chờ vợ chọn mua mũ bảo hiểm được cửa hàng trên phố Huế bày bán ra tận ngoài vỉa hè, anh Nguyễn Huy rất ngạc nhiên và bất bình khi thấy nhiều người đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm ở đoạn phố này. Chỉ hơn chục phút anh đếm được khoảng trên 20 người đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm trên phố Huế để ra đường Đại Cồ Việt; trong đó có nhiều học sinh.
“Việc đi ngược chiều gây mất an toàn giao thông nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý nên số người vi phạm ở đoạn phố Huế này diễn ra ngang nhiên, nhiều người bất chấp quy định, đi ngược chiều chỉ để nhanh hơn được vài phút, rất nguy hiểm”, một chủ kinh doanh trên phố Huế cho biết.
Tình trạng người dân đi ngược chiều còn xảy ra ở nhiều nơi như khu vực Ngã Tư Sở, sau khi ngành chức năng tổ chức lại giao thông tại đây một số người dân vẫn cố tình đi ngược chiều để sang đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Hay trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ hầm chui Thanh Xuân tới cầu vượt Ngã Tư Sở) mặc dù được Sở Giao thông vận tải Hà Nội thí điểm phân làn xe máy và ô tô bằng dải phân cách cứng, nhưng người điều khiển phương tiện giao thông vẫn đi khá lộn xộn, không tuân thủ theo biển báo, hướng dẫn, đi sai làn, lấn làn.
Thực tế cho thấy đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do người tham gia giao thông đi ngược chiều, sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ… song không ít người vẫn cố tình vi phạm, coi thường tính mạng của bản thân và những người tham gia giao thông.
Trong khi thành phố và các ngành chức năng đang nỗ lực xây dựng văn hóa giao thông thì tình trạng chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân vẫn còn rất hạn chế. Trên đường phố Thủ đô vẫn ghi nhận nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông chở hàng cồng kềnh, lạng lách gây nguy hiểm các phương tiện khác, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Nhiều đợt lực lượng chức năng ra quân kiểm tra nồng độ cồn, xử lý "ma men" nhưng không thể xử lý dứt điểm được tình trạng nêu trên, chế tài xử phạt dường như chưa đủ nặng để răn đe.
Có thể dễ dàng bắt gặp ngay bên cạnh những cây cầu vượt, hầm chui, người đi bộ “ngó lơ” không sử dụng mà trèo dải phân cách cứng, sang đường tùy tiện, không đúng vạch giao thông diễn ra phổ biến. Việc dừng đỗ xe tràn lan khắp nơi, không nhường đường và thậm chí "cướp" đường ưu tiên của người đi bộ cũng là những hành vi thiếu văn hóa trong tham gia giao thông khiến giao thông tại Hà Nội chưa được cải thiện.
Trên các tuyến giao thông nếu có sự kiểm soát của lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông thì hoạt động giao thông trật tự hơn, nhưng khi vắng bóng lực lượng này, tình trạng vi phạm giao thông vẫn còn xảy ra. Đáng nói, không phải người tham gia giao thông không nhận thức được về văn hoá giao thông mà chủ yếu bởi ý thức tự giác còn kém.
Bắt cóc bỏ đĩa
Tình trạng hàng quán, ô tô, xe máy vây kín vỉa hè, lòng đường, mái che, mái vẩy lấn chiếm hè, đường, choán cả không gian giao thông cũng là thực trạng đang xảy ra tại hầu khắp các tuyến phố, nhiều khu chung cư trên địa bàn Thủ đô, như trên phố Trương Định (đoạn từ Ngã Tư Tân Mai đến cầu Sét), khu vực quanh hồ Phương Liệt (quận Thanh Xuân), phố Trần Đại Nghĩa (ngay trước UBND phường Trương Định), đường La Thành, Chùa Láng, phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo…, phố Trần Cung (quận Cầu Giấy), trên tuyến phố Lương Yên (quận Hai Bà Trưng), chợ Cầu Mới - Ngã Tư Sở; đường Cổ Điển, khu tập thể Cơ khí 4, chợ Cổ Điển… (huyện Đông Anh).
Việc lòng đường, vỉa hè bị tái chiếm, nhan nhản bãi trông giữ xe không phép trên địa bàn Hà Nội vẫn ngang nhiên tồn tại cũng đã phản ánh sự thiếu quyết liệt, nếu không nói là làm ngơ của chính quyền một số địa phương, ngành chức năng thành phố trong xử lý vi phạm.
Theo ông Nguyễn Bắc (quận Hoàn Kiếm), dịch bệnh được kiểm soát, hàng quán mở cửa hoạt động trở lại bình thường nhưng nhiều hàng quán vi phạm, lấn chiếm vỉa hè bày bàn ghế, xếp hàng hóa, đỗ xe, trông xe cho khách… chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, cản trở người tham gia giao thông. Thực tế trên diễn ra ở nhiều tuyến phố những không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
“Dân số quá đông trong khi diện tích dành cho giao thông quá ít dẫn đến vi phạm tràn lan. Tại khu đô thị Linh Đàm, phương tiện, hàng quán chiếm dụng lòng đường, vỉa hè là chuyện hàng ngày nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm”, bà Hà Thanh - Khu đô thị Linh Đàm chia sẻ.
Những tồn tại trên đòi hỏi những giải pháp quyết liệt hơn nữa từ các cấp chính quyền và ngành chức năng, nhưng trên hết là ý thức của mỗi người dân trong việc chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông để duy trì trật tự, an ninh đô thị, chống ùn tắc và tai nạn giao thông một cách bền vững trên địa bàn.
Bài cuối: Cần nhân lên những mô hình