Dòng họ hiếu học trong đồng bào dân tộc thiểu số
Tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) - một trong 62 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần hiếu học và phong trào học tập ở các dòng họ người Mông nơi đây rất đáng biểu dương, tiêu biểu là dòng họ Giàng, ở xã Chế Tạo.
Từ việc đúc kết nguyên nhân của cuộc sống vất vả, dù “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó, là do thiếu trình độ và phương thức canh tác lạc hậu, dòng họ Giàng xác định: Để cuộc sống của các thành viên trong dòng họ phát triển, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề học tập. Con em trong dòng họ Giàng luôn tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình xóa bỏ hủ tục, quan niệm lạc hậu, quan tâm chăm lo cho việc học tập của con cháu. Trẻ em đến tuổi đi học đều được tạo điều kiện đến trường và không được bỏ học. Người lớn vẫn phải tiếp tục học tập như: Tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn làm kinh tế, về luật pháp, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Mọi thành viên trong dòng họ luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và phát triển kinh tế gia đình, cùng nhau thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dòng họ luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái, động viên, hỗ trợ để con, cháu không phải bỏ học giữa chừng. Từ nguồn quỹ vận động mỗi gia đình ủng hộ 200.000 đồng/năm, hàng năm dòng họ Giàng đã kịp thời biểu dương, khen thưởng con cháu có thành tích học tập tốt… Bên cạnh đó, dòng họ luôn quan tâm gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc thông qua việc giáo dục con, cháu trân trọng trang phục truyền thống, tín ngưỡng dân gian đặc sắc của người Mông; phát triển, gìn giữ kho tàng dân ca, dân vũ, truyện cổ, nhạc cụ dân tộc truyền thống của dân tộc…
Từ nhận thức đúng đắn và những việc làm thiết thực, cụ thể trong công tác khuyến học, khuyến tài; sự nỗ lực, khắc phục khó khăn trong học tập nâng cao trình độ, dòng họ Giàng ở xã Chế Tạo hiện có 17 người có trình độ đại học, 12 người có trình độ cao đẳng, 15 người có trình độ trung cấp, 16 cháu đang theo học các trường chuyên nghiệp từ trung cấp đến đại học. Bên cạnh đó, các gia đình đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất, đời sống ngày càng được nâng cao, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu “dòng họ hiếu học” trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Mù Cang Chải nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.
Phát huy truyền thống hiếu học của gia đình
Tại Ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thân được bà con nhân dân và đoàn thể xã hội biết đến với tên gọi “Gia đình hiếu học cấp tỉnh” – danh hiệu do UBND tỉnh Tiền Giang trao tặng. Gia đình bà Thân còn được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao Bằng khen “Gia đình hiếu học tiêu biểu”; dòng họ Nguyễn của gia đình được Hội khuyến học địa phương công nhận “Dòng họ hiếu học”.
Con trai bà Thân - anh Nguyễn Chí Định hiện là Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Ba anh sinh ra từ ruộng đồng, dù học chưa hết lớp 5 trường làng nhưng biết quan tâm đến thời cuộc, biết tự đọc sách báo, tài liệu để tổ chức hoạt động sản xuất, nuôi dạy các con khôn lớn. Mẹ anh học chưa hết lớp 3, đọc và viết chữ chưa thành thạo nhưng sớm hiểu được giá trị của việc học. Sinh thời, ba má anh luôn nhắc nhở các con phải cố gắng học hành thật tốt. Sự truyền dạy của ba, má về đạo làm người, về giá trị của việc học, về định hướng nghề nghiệp để khẳng định bản thân đã thấm sâu vào nhận thức của 9 anh em ngay từ thuở nhỏ. Nhận thức ấy lớn dần lên theo năm tháng, trở thành ý chí, hành động, quyết tâm mãnh liệt của 9 anh em khi phải mồ côi cha ở tuổi mười lăm, đôi mươi.
Ba mất sau cơn bệnh hiểm nghèo, gia đình rơi vào cảnh túng thiếu triền miên, mấy mẹ con anh Định vừa làm lụng trên mảnh ruộng, luống rau của mình, vừa phải cày thuê cuốc mướn cho bà con làng trên xóm dưới để đủ tiền trang trải cho việc học. Dù là bà mẹ nghèo khó, nhưng mẹ anh biết đảm đang quán xuyến việc lao động sản xuất và việc học của các con, là hậu phương vững chắc để anh em anh học hành thành đạt.
Một đời tần tảo với ruộng vườn, bà Thân – mẹ anh đã nuôi dạy các con khôn lớn, thành đạt với một tiến sĩ, một nghiên cứu sinh, 4 thạc sĩ, 3 cử nhân, trong đó có những người được nhà nước trao những trọng trách quan trọng trong xã hội.
Được Nhà nước trợ cấp 360.000/tháng cho người cao tuổi, bà Thân dành trọn số tiền đó ủng hộ Quỹ khuyến học của gia đình. Cháu nào báo trúng tuyển đại học, lập tức được bà thưởng nóng 5 triệu đồng. Số tiền ấy tuy không lớn nhưng là tấm lòng, tình cảm, sự động viên, khích lệ của bà đối với việc học hành của con cháu.
Phát huy truyền thống cần cù, hiếu học, coi trọng việc học của gia đình và dòng họ, 9 anh em và 15 cháu trong đại gia đình anh Định luôn tâm nguyện phải học tập liên tục, suốt đời để làm gương cho con cháu; phải phụng dưỡng cha mẹ, ông bà và là công dân tích cực trong việc xây dựng xóm ấp của mình trở thành xã hội học tập.
Qua những gương điển hình về dòng họ, gia đình có thể khẳng định, các dòng họ, gia đình đều coi sự học là linh hồn; là nhiệm vụ xuyên suốt. Truyền thống hiếu học của các gia đình, dòng họ hôm nay là sự tiếp nối, gìn giữ và phát huy nét đẹp trong văn hóa giáo dục, văn hóa đời sống của dân tộc. Những tấm gương hiếu học, gia đình học tập, dòng họ học tập tiêu biểu trong cộng đồng xuất hiện ngày càng nhiều chính là nguồn lực vững chắc để góp phần xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn cách mạng mới.