Hàng loạt tuyến quốc lộ (QL) từ Nam chí Bắc tiếp tục “kêu cứu” vì bị xe quá khổ, quá tải phá nát. Thực trạng này khiến Nhà nước phải chi một khoản ngân sách không nhỏ để đầu tư xây mới, nâng cấp, bảo trì đường sá.
Quá nhiều QL bị tàn phá
Cầu Vồng bắc tạm trên QL53 đang thi công, nối tỉnh Vĩnh Long đi tỉnh Trà Vinh mới bị sập hồi đầu tháng 12/2013, do xe chở thiết bị máy móc quá tải chạy qua, đang gây bức xúc cho nhà thầu thi công nâng cấp đoạn tuyến này. Theo Sở GTVT Vĩnh Long, tải trọng cho phép của cầu 30 tấn, nhưng chiếc xe gây sập cầu chở tới 60 tấn. Sở GTVT Vĩnh Long đã yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương khắc phục sự cố này.
Đoạn đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đoạn từ cầu kênh 10 tới giao lộ Nguyễn Cửu Phú - Tân Nhật (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) xuất hiện nhiều vết nứt dài.Hoàng Tuấn -TTXVN |
Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều tuyến đường trọng điểm cũng đang bị hư hại, mặt đường sụt lún, gây nguy hiểm đối với người tham gia giao thông. Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, nhiều QL như: Đường Đồng Văn Cống dẫn vào cảng Cát Lái, đường Mai Chí Thọ (quận 2)... đang bị xuống cấp nghiêm trọng do xe quá tải thường xuyên lưu hành cày nát.
Mỗi ngày, bình quân có khoảng 15.000 phương tiện tham gia lưu thông qua trục đường Đồng Văn Cống, trong đó phần lớn là xe tải nặng, xe container khiến cho mặt đường hư hỏng và phải sửa chữa nhiều lần. Theo Luật sư Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, trong tổng số xe ra vào cảng có khoảng 50% là xe quá tải trọng cho phép. Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đang nâng cấp tuyến đường này. Dự án bảo dưỡng, nâng cấp tuyến này khó hoàn thành đúng kế hoạch, vì tuyến đường vừa sửa xong đã bị trồi nhựa, hằn lún cục bộ. Đường Mai Chí Thọ cũng đang được bảo dưỡng, nâng cấp khắc phục tình trạng hằn lún. Trước đó, tuyến đường này phải “gồng gánh” hàng ngàn xe trọng tải lớn hướng từ cảng Cát Lái đi QL1A...
QL3 qua các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Cửa khẩu Tà Lùng, đang gia tăng đột biến lưu lượng xe quá khổ, quá tải lưu thông, khiến cho nhiều đoạn đường vừa nâng cấp, thảm bổ sung đã bị hư hỏng nặng. Nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn, nguy cơ toàn tuyến sẽ sớm bị “cày nát”. Theo thiết kế, đoạn tuyến này tương đương đường cấp 4 miền núi, chịu tải trọng trục xe 12 tấn và chỉ cho phép mỗi ngày khoảng 20 xe lưu thông, nhưng thực tế trên tuyến này có ngày có cả trăm lượt xe siêu trường, siêu trọng qua lại.
Từ ngày 1/1/2014, liên Bộ Công an, Bộ GTVT sẽ đồng loạt xử lý vi phạm tải trọng xe trên toàn quốc với các biện pháp từ “gốc” đến “ngọn”. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị các địa phương nghiêm cấm mọi can thiệp vào quá trình xử lý, các lực lượng liên ngành sẽ tăng cường lực lượng, phương tiện cần thiết thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền. |
Ban Quản lý dự án 6, đại diện chủ đầu tư Dự án nâng cấp QL3 đã có nhiều văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị xử lý tình trạng này, nhưng số lượng xe quá tải hàng ngày vẫn “nườm nượp”.
Theo thống kê của CSGT các địa phương Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, bình quân có khoảng 1.000 xe quá tải lưu thông trong một ngày trên QL5, chiếm 20 - 30% số xe chạy trên tuyến. Giới hạn tải trọng cầu, đường trên QL5 là 30 tấn, nhưng đa số xe đầu kéo chuyên dụng, xe container chạy trên tuyến thường xuyên chở từ 36 - 45 tấn, thậm chí có nhiều xe tổng trọng tải lên đến 80 tấn...
Xe quá tải sẽ hết cửa hoạt động
Theo các chuyên gia, để xảy ra tình trạng trên là do công tác quản lý tải trọng xe bị bỏ ngỏ, chế tài xử phạt lại chưa đủ sức răn đe. Thực tế, các xe siêu trường, siêu trọng đang lưu hành đều được nhập khẩu, nhưng thời gian qua, hàng rào kỹ thuật kiểm soát tổng trọng lượng của xe nhập khẩu chưa đầy đủ và thiếu chặt chẽ. Đặc biệt, hiện chưa có quy định cụ thể về kích thước thùng xe, giới hạn thùng chở hàng của các loại xe tải tự đổ, xe rơ moóc, xe container, xe xitec...
Đáng lưu ý, hoạt động vận tải đường bộ lại đang bị buông lỏng quản lý, dẫn đến hiện tượng “mạnh ai nấy làm”, doanh nghiệp “tự tung tự tác” vận tải quá khổ, quá tải. Năm 2002, cả nước có gần 58.000 xe tải tải trọng 7 tấn trở lên, đến năm 2013 số lượng loại xe này đã tăng tới trên 652.000 xe. Việc mở rộng đường sá không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện quá khổ, quá tải đã dẫn đến hệ quả là nhiều tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng.
Ủy ban ATGT Quốc gia thống kê, tình trạng xe chở quá tải tham gia giao thông trên đường bộ đang có chiều hướng gia tăng. Trong tổng số xe được kiểm tra, có đến 50% số xe chở hàng hóa quá tải trọng cho phép, thậm chí có xe vượt quá tải trọng đến 200%.
Nguyên nhân khiến việc kiểm soát tải trọng xe không hiệu quả là do chưa có sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp giữa các lực lượng thực thi công vụ.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng: “Để khắc phục tình trạng này, quan trọng nhất là phải kiểm soát tải trọng tại nguồn hàng như: Nhà ga, bến cảng, kho hàng”. Còn ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết: Tại TP Hồ Chí Minh có đến 80% hàng hóa xuất phát từ các cảng. Tại các kho trong cảng đều đã trang bị cân, có thể kiểm soát được hàng hóa xuất ra, nhưng ngành GTVT phải có biện pháp để có thể quản lý tải trọng xe ngay từ các cảng, đầu mối hàng hóa. Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí minh cũng đã đề xuất áp dụng chế tài xử phạt nặng, đánh trực tiếp vào lợi ích kinh tế của chủ hàng, chủ xe để buộc họ chấp hành nghiêm quy định về tải trọng xe khi lưu thông trên đường.
Còn theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, từ năm 2014, Bộ GTVT sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát tải trọng xe. “Có nhiều ý kiến đề nghị phải xử lý tình trạng này từ gốc, nhưng năm 2014, ngành sẽ xử lý cả gốc - giữa - ngọn, nhằm sớm chấm dứt tình trạng vi phạm tải trọng đường bộ. Để làm được việc này, phải kiểm soát xe ngay từ khâu nhập khẩu xe, xử lý vi phạm phải công khai, nghiêm minh, không để tiêu cực trong các lực lượng thực thi công vụ”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Tiến Hiếu - Anh Đức