Xe tải hạng nặng 'băm nát' nhiều tuyến đường

Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang bị "băm nát" do các xe tải hạng nặng, xe ô tô chở quá tải hoạt động ngược xuôi suốt ngày, khiến nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, một số cầu, cống thiết kế cho phương tiện thô sơ, xe tải nhẹ, nhưng nhiều xe ô tô tải chở vật liệu nặng 50 đến 60 tấn vẫn vượt qua.


Xe tải hạng nặng phá đường đã khiến cho dân cư, nhất là các gia đình sống hai bên đường bức xúc vì suốt ngày phải hít bụi, nghe tiếng ồn. Lúa, ngô gần đường có nhiều xe chở đất cát qua lại, vì bụi bẩn triền miên nên mất khả năng thụ phấn tự nhiên, do đó năng suất suy giảm.

 

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều dự án triển khai nâng cấp và xây mới. Điển hình là dự án cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp đường giao thông dài 29km; Dự án xây mới đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn Vĩnh Phúc dài 41km; Dự án xây dựng đường Nguyễn Tất Thành qua thị xã Phúc Yên, một số khu vui chơi giải trí, du lịch, dịch vụ khác cũng đồng thời triển khai trên địa bàn... cần đến hàng chục triệu khối đất cát để làm nền, đắp nền. Đây là cơ hội của những người có đồi bãi, các chủ xe khai thác đất đem bán cho các công trình kiếm lời. Khai thác đất và vận chuyển đất được coi là nghề kiếm tiền quá dễ dàng, nhiều đồi, núi không được phép khai thác cũng nhanh chóng được san phẳng. Các xe tải hạng nặng có dung tích thùng hàng 20 đến 30 mét khối (m3) tranh thủ ngày đêm và thường chở quá trọng tải cho phép. Đây là việc làm sai quy định pháp luật, gây bức xúc dư luận, nhưng các ngành chức năng, chính quyền cơ sở làm ngơ, hoặc xử phạt nhưng vẫn để các xe tải hạng nặng lưu thông trên đường, hoạt động khai thác đất, cát vẫn tiếp tục.

 

Con đường ĐT 302 B qua địa phận thôn My Kỳ và Vĩnh Tiến, xã Bá Hiến đến đồi Ba Gò thuộc xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên dài gần 3 km. Vài năm trước con đường này trải nhựa sạch đẹp, bây giờ trở thành đường đất suốt ngày bụi mù do các hỗn hợp làm đường nhựa bị xe tải hạng nặng đi qua nghiền nát. Đất, đá, cát, sỏi... rơi vãi bắn tung tóe khắp các tuyến đường làm cho người điểu khiển phương tiện hạn chế tầm nhìn, khó quan sát, đường nhanh xuống cấp, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra khá nan giải và nguy cơ gây tai nạn rất cao.

 

Một số tuyến đường chính ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải hạng nặng chở đá, bột đá đi qua. Nhiều xe vì hám lợi mà chở nhiều, vật liệu đầy thùng xe nhưng chỉ che phủ bạt một cách rất hình thức, thậm chí không che chắn khiến đất, đá bắn tứ tung ra đường, người dân sống hai bên đường rất bức xúc, nhất là công nhân dọn vệ sinh đường và đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ.

 

Tình trạng khai thác đất, cát trái phép trên diện rộng và hoạt động của các xe tải hạng nặng diễn ra nhiều năm cũng làm cho một số con đê nhanh xuống cấp như đê sông Hồng qua địa bàn Vĩnh Phúc, đê Sông Lô..., ảnh hưởng đến giao thông và phòng chống lũ lụt. Dòng sông Lô qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc do khai thác cát quá mức, thậm chí có nơi bị các đối tượng khoét sâu đáy sông để chờ mùa lũ năm sau cát về... lại thêm hoạt động vận chuyển cát liên tục trong nhiều năm, đã làm cho hàng chục ha đất canh tác, đất vườn sạt lở trôi theo dòng sông.

 

Thời gian gần đây, Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc cùng lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử lý xe quá khổ, quá tải, vi phạm các quy định, nhưng chủ yếu mới thực hiện được trên Quốc lộ 2A, 2B, 2C. Có ý kiến cho rằng, một số cán bộ ngành chức năng của tỉnh vì nể nang các doanh nghiệp vận tải, các chủ xe mà đã xử lý chưa nghiêm, báo cáo thiếu trung thực và cần được chỉnh đốn để giữ vững kỷ cương.

 

Trọng Lịch

Xe chở quá tải 'né' trạm cân lưu động
Xe chở quá tải 'né' trạm cân lưu động

Bắt đầu từ tháng 4/2014, Quảng Ngãi đưa trạm cân lưu động vào hoạt động liên tục trên Quốc lộ 1. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý xe chở quá tải rất ít vì phần lớn xe đều tìm cách né đi qua trạm cân này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN