Trước thực tế này, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, đang phối hợp với Công an thành phố và các ngành liên quan, củng cố hồ sơ xem xét để xử lý hình sự doanh nghiệp nợ bảo hiểm của người lao động trên địa bàn. Từ ngày 1/9/2019, Nghị quyết về xử lý tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Hội đồng Thẩm phán chính thức có hiệu lực thi hành. Đây sẽ là căn cứ để cơ quan chức năng xử lý mạnh tay với hành vi trốn, nợ đọng bảo hiểm.
Tính đến cuối tháng 10/2019, tổng số nợ mà Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội phải tính lãi trên địa bàn là gần 2.000 tỉ đồng (tăng 136,3 tỉ đồng so với tháng 8) và chiếm 4,27% số nợ phải thu. Đáng chú ý, 500 đơn vị, doanh nghiệp nợ gần 280 tỉ đồng, thời gian nợ từ 6 - 24 tháng. Trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn may mặc xuất khẩu VIT Garmant (Khu Công nghiệp Quang Minh) nợ 21 tỉ đồng bảo hiểm xã hội; Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghiệp cao Minh Quân nợ 16,4 tỉ đồng; Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng số 4 nợ 6,8 tỉ đồng...
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, việc doanh nghiệp nợ bảo hiểm sẽ khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, khó khăn trong giải quyết các chế độ chính sách liên quan đến người lao động nếu xảy ra, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội là do doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, bị chiếm dụng vốn, bị nợ chồng chéo; chậm được giải ngân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán; bị phong tỏa hóa đơn; thậm chí, một số doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, giải thể...
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, bên cạnh nguyên nhân trên, một số chủ doanh nghiệp lợi dụng cơ chế chính sách đã trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động trên địa bàn.