Vụ bạo hành của một bảo mẫu dẫn đến cái chết thương tâm của cháu Đ.N.L (18 tháng tuổi) xảy ra ngày 16/11 tại tổ 9, KP.6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đang gây chấn động dư luận xã hội.
Theo cơ quan điều tra, Hồ Ngọc Nhờ (18 tuổi) và chồng là Phan Thanh Sơn (22 tuổi, cả hai quê ở TP Cần Thơ) lên TP Hồ Chí Minh thuê trọ tại địa chỉ trên để làm ăn, sinh sống. Do không có việc làm nên Nhờ ở nhà trông con nhỏ và nhận trông thêm cháu Đ.N.L, con của chị Võ Thị Huyền (24 tuổi, quê Nghệ An) với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Chỉ vì cháu Đ.N.L khóc không chịu ăn, thay vì dỗ dành, Nhờ đã cam tâm hành hạ cháu một cách dã man, dùng chân đạp mạnh lên ngực, lên bụng khiến cháu ngất lịm và tử vong ngay sau đó.
Vẫn biết, sẽ có một bản án nghiêm khắc dành cho “bảo mẫu” Hồ Ngọc Nhờ. Nhưng với những người làm cha làm mẹ và với dư luận xã hội, vụ án nghiêm trọng trên chắc chắn sẽ còn đọng lại nhiều day dứt và với những câu hỏi cần được trả lời.
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ những vụ bạo hành trẻ em khiến dư luận bức xúc, lên án xảy ra trong thời gian gần đây. Điển hình như vụ em Nguyễn Thị Bình, bị vợ chồng Chu Văn Đức và Trịnh Hạnh Phương ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) ngược đãi, đánh đập trong thời gian dài; vụ cháu Nguyễn Hào Anh, ở Cà Mau bị vợ chồng chủ trại tôm Minh Đức hành hạ dã man suốt thời gian dài; vụ cháu Nguyễn Thị Như Ý mới 9 tháng tuổi ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp bị chính mẹ ruột và ông bà ngoại hành hạ, đánh đập dã man khiến cho khắp cơ thể cháu bị biến dạng... Có thể nói, tình trạng bạo hành, ngược đãi trẻ em ngày càng gia tăng cả về mức độ phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng.
Thật đau lòng, những đứa trẻ đáng ra phải được sự chăm sóc, bảo vệ của gia đình, xã hội thì chúng lại phải gánh chịu những trận đòn roi, ngược đãi dã man. Điều đáng nói, những đứa trẻ bị bạo hành không chỉ đau đớn về thể xác mà còn bị tổn thương về tinh thần. Qua những vụ trẻ em bị bạo hành, rất nhiều người đã đặt câu hỏi: Vì sao các em bị hành hạ trong thời gian dài như vậy mà không bị phát hiện? Vai trò của các cấp chính quyền, đoàn thể, vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở đâu? Điều dễ nhận thấy, là những vụ trẻ em bị bạo hành được phát hiện trong thời gian gần đây, phần lớn là từ các cơ quan báo chí.
Trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được quy định trong các văn bản pháp luật. Nhưng, trong quá trình thực hiện có một số cán bộ không làm tròn trách nhiệm, thực hiện chưa nghiêm, chưa đầy đủ kịp thời. Nguyên nhân có thể là do năng lực yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát; thiếu những quy định, chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, vận động giáo dục tư vấn bảo vệ trẻ em cũng chưa được quan tâm đầu tư kể cả nguồn lực và trí tuệ, sáng tạo. Hệ quả dẫn đến công tác phòng chống xâm hại trẻ em chưa cao. Đó cũng là lý do dẫn tới tình trạng bạo hành trẻ em chưa được ngăn chặn triệt để.
Để có các giải pháp thật sự hiệu quả nhằm bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, nhiều ý kiến đề nghị các ngành chức năng cần nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, đội ngũ cộng tác viên làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là ở cấp xã, phường, thôn, bản, cụm dân cư. Bên cạnh đó, cần hình thành các dịch vụ xã hội bảo vệ trẻ em có tính hệ thống, liên tục và chuyên nghiệp theo cả hai hình thức công ích Nhà nước và xã hội hóa... Bên cạnh đó, cũng cần xóa đi sự thờ ơ, vô cảm của cán bộ cơ sở, những người dân sống xung quanh. Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải xuất phát từ tình thương yêu giữa con người với con người, tinh thần trách nhiệm đối với trẻ em. Có đẩy lùi được sự vô cảm đang tồn tại trong đời sống xã hội, thì mới hy vọng đẩy lùi được nạn bạo hành, ngược đãi trẻ em.
Yến Nhi