Đợt này, 40 nạn nhân được nhận bò sinh sản trị giá 12 triệu đồng/con, 3 nạn nhân được nhận nhà trị giá 50 triệu đồng/căn. Đoàn cũng đến thăm hỏi, tặng quà tri ân 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại lễ trao tượng trưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Hoàng đánh giá cao những nỗ lực của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Tỉnh Quảng Bình còn nhiều khó khăn, nguồn lực hỗ trợ của tỉnh dành cho các đối tượng yếu thế nói chung và nạn nhân bom mìn còn nhiều hạn chế, vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, sự chung tay của cả cộng đồng để kết nối yêu thương, giúp các nạn nhân bom, mìn phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cho biết, đây là lần thứ hai Hội có chuyến giúp đỡ các nạn nhân bom mìn của tỉnh Quảng Bình. Từ đợt hỗ trợ đầu tiên với 35 con bò, nhiều gia đình đã nuôi và cho sinh sản được hai đến ba lứa bò, qua đó góp phần hỗ trợ sinh kế cho bà con.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát đánh giá chi hội cơ sở tỉnh Quảng Bình đã hoạt động hiệu quả và mong chi hội cũng như các đối tác xã hội hóa tiếp tục đồng hành và phát huy cao công tác khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam sau chiến tranh.
Trong chiến tranh chống Mỹ, tỉnh Quảng Bình là tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, vật chất cho chiến trường miền Nam, là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân, hải quân Mỹ. Chính vì vậy, vùng đất này được mệnh danh là “túi bom” nằm trong số những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm nhưng sự khốc liệt và hậu quả của nó vẫn không phải mờ trong tâm chí người dân Quảng Bình. 151 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều bị ô nhiễm bom mìn, với tổng diện tích ô nhiễm lên tới gần 225 ha, trung bình mỗi m2 gánh chịu 29 kg bom, đạn. Số bom mình và vật liệu nổ chưa nổ còn sót lại, nằm rải rác trên các địa phương của tỉnh, là những nỗi lo sợ, nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế và tính mạng của người dân.
Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA) đã có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho những nạn nhân bom mìn. Đặc biệt, công tác hỗ trợ sinh kế nạn nhân bom mìn được chú trọng với gần 5.500 người được cải thiện cuộc sống, gần 300 gia đình ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình và Hà Giang được hỗ trợ bò giống sinh sản, đến nay đã phát triển tốt. Đồng thời, trên 5.000 người khác được hỗ trợ bằng các hình thức khác nhau như hỗ trợ nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất...