Vẫn là những bữa cơm đạm bạc, những căn nhà cấp 4 lụp xụp với những con người đang từng ngày chống chọi với bệnh tật. Nhưng những ngày lạnh đầu năm này, “xóm chạy thận” lại trở nên rộn rã đông vui hơn hẳn. Khuôn mặt ai cũng ánh lên niềm vui và sự hi vọng, đón chào một năm mới sắp đến…
Xóm nằm sâu trong ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị, đối diện Bệnh viện Bạch Mai. Nơi đây hiện có hơn trăm bệnh nhân đang chữa trị tại các viện khác nhau như Bạch Mai, Giao thông vận tải… Họ đến từ nhiều nơi khác nhau cùng đùm bọc, giúp đỡ nhau vượt qua đói nghèo và bệnh tật.
Đến thăm “xóm chạy thận” vào một buổi chiều mưa và lạnh, dẫn đường cho tôi là chị Lê Thị Thanh, một thành viên của xóm. Dáng người nhỏ bé khiến cô gái 26 tuổi này trông không khác gì một đứa trẻ. Chị đã gắn bó với nơi này ba năm nay, là một trong những người trẻ khỏe nhất xóm. Cả dãy trọ với khoảng gần chục căn phòng cấp bốn san sát nhau. Những bức tường màu trắng giờ bong tróc, rêu bám đầy, bên trong phòng chỉ có 1 - 2 tấm phản gỗ kê trên bốn chân giường đơn giản. Chị Thanh giới thiệu: “Ở xóm này đều là những người chạy thận lâu năm cả. Người kỳ cựu nhất ở đây cũng chạy được hơn 20 năm rồi. Mọi người đến từ nhiều nơi nhưng coi nhau như gia đình vậy”.
Nhà từ thiện trao quà cho người dân xóm chạy thận. |
Cách đó không xa là dãy trọ của bà Bùi Thị Luyện (Lạc Thủy, Hòa Bình) năm nay tuổi, đã chạy thận được 10 năm. Sức yếu, nhà xa nên đây là năm thứ 3 bà ở lại ăn tết tại xóm trọ. Nhớ lại cái Tết năm đầu tiên ở lại bà không khỏi chạnh lòng: “Cả khu trọ còn lại có mình tôi. Sợ quá, tôi chỉ đóng kín cửa ở bên trong. Đêm giao thừa có bắn pháo hoa cũng không dám ra xem. Khi đứa cháu gọi điện chúc tết thì tủi thân khóc tu tu”. Theo lời bà Luyện thì cứ từ 20 Tết trở đi, xóm này trở nên nhộn nhịp hẳn, có nhiều đoàn thể, tổ chức đến thăm hỏi, động viên bà con lắm. Bà vui vẻ kể: “Hôm trước còn có đoàn hát rong đến hát ngay ở đầu ngõ, dù trời mưa khá dày nhưng tôi và mọi người vẫn ngồi xem hết chương trình mới về. Thấy ấm áp và an ủi vì xã hội không bỏ quên mình”.
Đang dở câu chuyện thì bà Mai Thị Hạnh, quê ở Tiên Lữ, Hưng Yên đến khoe gói quà tết mới nhận ở bệnh viện về. Bà là vợ liệt sĩ, lại chỉ có duy nhất một cô con gái đi lấy chồng xa nên cũng một mình cô quả. Dù đã hơn 60 tuổi nhưng hàng ngày bà Hạnh vẫn phải đi nhặt đồng nát để lấy tiền thuê nhà sinh sống, chữa bệnh. Căn phòng nhỏ của bà nằm ở cuối dãy trọ, tài sản quí nhất là chiếc ti vi nhỏ cũ kỹ cùng bức ảnh Phật được treo trang trọng giữa nhà. Chỉ gói quà gồm mấy gói kẹo và mứt, bà nói: “Năm nay Bệnh viện Bạch Mai chỉ cho 40 suất quà thôi, trong khi đó xóm lại có đến 115 người nên mọi người lại chia nhau, ai nhận quà lần này thì thôi lần khác. Nhờ có các nhà hảo tâm mà tết này tôi có tết”.
Người dân xóm chạy thận và những món quà ý nghĩa. |
Đều cùng cảnh ngộ nên mọi người ở đây sống với nhau rất tình cảm, nương tựa vào nhau, chia sẻ từng nghìn lẻ hay bát cơm lúc khó khăn. Rơm rớm nước mắt vì tủi thân, bà Hạnh kể lại: “Hôm trước đi chạy thận về, huyết áp tôi tăng ghê quá, không thở được, nói không ra hơi, đầu óc quay cuồng, may mà có bà hàng xóm sang kịp lúc, không thì giờ không biết thế nào…”.
Xóm chạy thận có những ngày đầu năm ấm lòng phần nhiều nhờ vào ông “trường xóm” Nguyễn Văn Tấn. Năm nay 70 tuổi, mắt đã không còn tinh tỏng nữa nhưng ông rất nhiệt tình với công việc của xóm. Ông Tấn cho biết, năm ngoái nhờ bệnh viện cùng các đoàn thể và nhà hảo tâm, mỗi người trong xóm cũng được hơn 1 triệu đồng đón xuân. Nhưng năm nay tính sơ sơ chia ra mỗi người cũng chỉ được dăm trăm mà thôi. “Những nhà nào khó khăn hơn thì sẽ được hỗ trợ thêm, lá rách ít đùm lá rách nhiều thôi mà”, ông Tấn nói.
Khi được hỏi nguyện vọng trong năm mới là gì, ông không ngần ngại nói: “Mức thấp nhất phục vụ cho chi phí thuê nhà, ăn uống, tiền thuốc và tiền viện phí đối với những người có bảo hiểm hộ nghèo ít nhất cũng là 3 triệu đồng. Chỉ mong sang năm mới những bệnh nhân nghèo được nhà nước miễn toàn bộ viện phí, các nhà hảo tâm, tổ chức và cá nhân quan tâm hơn nữa đến hoàn cảnh của những con người nghèo khó ở đây. Một vài người có lương hưu như tôi còn đỡ, chứ còn lại thì…”, ông nghẹn ngào buông lửng câu nói.
Cái tết dẫu không hoa đào, quất, không sung túc thậm chí còn phải ăn uống kiêng khem hơn những ngày thường nhưng với những người ở “xóm chạy thận” này thì tết năm nay thật ấm áp. Ấm áp bởi tình người nơi đây, bởi tấm lòng của cộng đồng đã không lãng quên họ. Chia tay, giọng bà Hạnh nghèn nghẹn: “Cô nhà báo nhớ viết vài dòng nói lời cảm ơn của tôi đến mọi người. Nhờ tình cảm và sự quan tâm của mọi người mà cô đơn quả phụ như tôi cũng thấy ấm lòng lắm lắm…”.
Thu Trang