Xót xa bệnh nhân tiểu đường phải ‘cõng” cả suy thận nặng

Tăng huyết áp, phù phổi, tai biến mạch máu não, hôn mê, ngừng tuần hoàn… đó là những biến chứng từ bệnh đái tháo đường mà nhiều bệnh nhân nhân suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo, đang phải trải qua.

Điều trị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị biến chứng từ đái tháo đường tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viênh Bạch Mai Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

 Ngày càng nhiều biến chứng

 

Mệt mỏi, nằm chạy thận trên giường bệnh, tại khoa thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Nguyễn Thị Hạnh, phố Tân Ấp, Hà Nội, khó nhọc cho chúng tôi biết: “Tôi đã bị tiểu đường 30 năm nay, cũng đã được bác sĩ cảnh báo về nguy cơ biến chứng sang thận tử 3 năm trước nhưng rồi không tránh được”.


Cách đây 9 tháng, tình trạng sức khỏe của bà Hạnh rất xấu, luôn ở trong tình trạng mệt mỏi, mặt bị phù thũng, không thể ngồi được, cũng không ăn được…Sau khi cấp cứu, thăm khám, các bác sĩ cho biết bà Hạnh đã bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo (3 lần/tuần).


Thấy mẹ mệt, chị Lê Hồng Phúc, con gái bà Hạnh ngồi gần đó đỡ lời: “Mẹ tôi vẫn tham gia cậu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Bạch Mai, hàng tháng vẫm khám lấy thuốc, cứ 3 tháng lại thử máu 1 lần. Tuy nhiên, do sự chuyển hóa trong cơ thể kém, việc kiêng khem trong chế độ ăn hàng ngày cũng không được chuẩn chỉ nên chỉ số đường huyết không được ổn định”.


Bởi vậy, tần suất nhập viện điều trị tiểu đường của bà Hạnh ngày một dày hơn, trước lâu lâu hoặc 6 tháng bà Hạnh mới phải nhập viện một lần nhưng nay thì cứ 3 tháng là bà lại phải nằm viện.


“9 tháng trước, mẹ tôi tưởng như không sống nổi, vào viện phải ngồi xe lăn, nhưng sau khi chạy thận nhân tạo, mẹ tôi đã đỡ nhiều, chủ động trong sinh hoạt và có thể đi chơi gần”, chị Phúc cho hay.


Theo chị Phúc, sau đợt ốm tưởng như khó gượng được ấy, cả gia đình chị đều chú ý hơn trong việc chăm sóc mẹ, tránh những đồ ăn thức uống có nhiều kali (chocolate, cacao, cà phê, chuối, dưa hấu..), photpho (tôm, cua, lòng đỏ trứng, cá hồi…). Bởi nếu không, bác sĩ cảnh báo sẽ có nhiều biến chứng xấu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bà Hạnh.


Nằm cách giường của bệnh nhân Hạnh không xa là bệnh nhân Nguyễn Thị Thu (60 tuổi), Chương Mỹ, Hà Nội.


So với bà Hạnh, bà Thu có “thâm niên” mắc tiểu đường ít hơn, khoảng 17 năm. Tuy nhiên, do không tuân thủ đúng chế độ điều trị (bỏ thuốc trong 1 tháng liền) nên đầu năm ngoái, bà đã bị biến chứng hỏng một mắt. Tới tháng 7/2016, bà tiếp tục bị biến chứng vào thận và buộc phải chạy thận nhân tạo do suy thận giai đoạn cuối (3 lần/tuần).


“Giờ, cùng lúc phải điều trị cả 2 loại bệnh nên cũng phức tạp. Ngoài việc phải chú ý các loại thuốc điều trị, còn phải chú ý hơn trong ăn uống. Nếu trước đây, chỉ phải chú ý giảm lượng đường, tránh tăng đường huyết, thì nay còn phải chú ý để tránh các thức ăn chứa kali, photpho, vì các bác sĩ nói nếu không kiêng khem thì bệnh nhân thận nhân tạo có khi còn tử vong trước khi đến viện”, bà Thu cho biết.

 

Chế độ điều trị, ăn kiêng “khắt khe”


Theo bác sĩ Hà Linh, khoa Thận nhân tạo, việc điều trị cho bệnh nhân suy thận đã lọc máu giai đoạn cuối nguyên nhân từ đái tháo đường gây lên thường khó khăn nhiều hơn so những bệnh nhân suy thận do nguyên nhân thông thường.


Tại khoa Thận nhân tạo, các bác sĩ đã nhiều lần phải cấp cứu cho các bệnh nhân đái tháo đường nhập viện do biến chứng suy thận với các triệu chứng: Tăng huyết áp dẫn đến phù phổi, tai biến mạch máu não, hôn mê do giảm đường máu, ngừng tuần hoàn…


“Trong cuộc lọc máu cho bệnh nhân, bác sĩ cũng gặp nhiều khó khăn do những bệnh nhân này hay bị dao động huyết áp, nhịp tim… Bệnh nhân đái tháo đường thường có quá trình điều trị dài, trước khi dẫn đến biến chứng suy thận nên cũng thường bị biến chứng về mạch máu nói chung... Do đó, bác sĩ sẽ phải chú ý nhiều hơn trong quá trình điều trị và đặc biệt quan tâm đến chế dộ ăn của bệnh nhân”, BS Hà Linh cho biết.

 

Thực tế, do có quá nhiều biến chứng trên 1 bệnh nhân đái tháo đường biến chứng suy thận giai đoạn cuối dẫn đến phải lọc máu, nên nhiều khi điều trị cho những bệnh nhân này đòi hỏi có sự hội chẩn, phối hợp cùng lúc của nhiều chuyên gia hô hấp, nội tiết, tim mạch...

 

Cũng chính vì vậy mà các bác sĩ thận nhân tạo đang rất lo ngại về xu hướng gia tăng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo do biến chứng từ bệnh tiểu đường liên quan đến thừa cân, béo phì.

 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì là yếu tố nguy cơ cao gây bệnh thận. Người thừa cân, béo phì có nguy cơ suy thận mạn tính giai đoạn cuối cao gấp 2 - 7 lần so với người có cân nặng bình thường. Do đó, với tốc độ gia tăng thừa cân, béo phì như hiện nay, dự báo trong vòng 15 - 20 năm, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường biến chứng suy thận giai đoạn cuối sẽ tăng “chóng mặt”, từ 14% lên 30 - 40%.


“Cần phải trị bệnh từ gốc. Việc giáo dục và nâng cao nhận thức về bệnh béo phì và hướng đến một lối sống lành mạnh bao gồm dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục lành mạnh có thể ngăn ngừa béo phì và bệnh thận mạn tính. Như vậy, cũng sẽ ngăn ngừa được nguy cơ gia tăng tỷ lệ bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối bị biến chứng từ bệnh đái tháo đường trong một tương lai gần”, TS Nguyễn Hữu Dũng,Trưởng khoa Thận nhân, tạo khuyến cáo.

 

 

 

Phương Liên
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo do béo phì ngày càng gia tăng
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo do béo phì ngày càng gia tăng

Năm 2016, tỷ lệ bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo do biến chứng đái tháo đường có liên quan đến thừa cân,béo phì đã lên tới 14%; trong khi năm 2008, con số này chỉ vào khoảng 8%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN