Sau 6 tháng lực lượng liên ngành Giao thông Vận tải - Công an triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ, tình trạng xe ô tô chở quá tải đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và lực lượng chức năng, cần phải có những giải pháp nhằm chặn từ gốc.
Đồng bộ từ nhập khẩu, thiết kế phương tiện
Trong quá trình kiểm tra xe quá khổ, quá tải lưu thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố; theo phản ánh của lực lượng chức năng, một trong những khó khăn gặp phải là quy định của pháp luật về nhập khẩu chưa chặt chẽ nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xe tải trọng lớn hơn thiết kế của cầu, đường bộ. Thậm chí, nhiều tổ chức, cá nhân còn tự ý cải tạo, cơi nới thành, thùng xe nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật.
Cân xe tại Trạm cân liên ngành Nghệ An. |
Theo đại tá Trần Trọng Đạo, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Nam, cần cấm nhập khẩu xe có kích thước thùng chở hàng vượt tiêu chuẩn lưu hành; kiểm soát thùng hàng hầu hết các chủng loại xe ô tô vận tải hàng hóa, chứ không chỉ dừng ở xe xi-tec và xe tải tự đổ như hiện nay. Quan điểm này được các tài xế xe tải đồng tình, bởi thực tế là nhiều lái xe khi nhận xe mới đã có kích thước thùng hàng cỡ lớn, vượt chuẩn lưu hành của Bộ GTVT. Với kích thước sẵn có như vậy, giới tài xế thường bị chủ xe, chủ hàng yêu cầu chở với khối lượng lớn.
Giới chuyên gia cũng có kiến nghị, cơ quan đăng kiểm cần dừng đăng kiểm xe vi phạm cơi thùng đối với những xe tải đã và đang hoạt động; dừng việc đăng kiểm đối với những xe vi phạm tự ý thay đổi kích thước thùng xe tại chu kỳ kiểm định tiếp theo.
Theo một chuyên gia về giao thông, quy chuẩn về thùng hàng với xe tự đổ, xe tải, xe xi-téc tham gia giao thông chỉ được chở khối lượng hàng hóa thấp hơn khả năng chịu tải lớn nhất của các trục xe theo quy định của nhà sản xuất, đồng thời không được lớn hơn giới hạn tải trọng trục và giá trị khối lượng toàn bộ xe cho phép tham gia giao thông.
Theo đại tá Trần Trọng Đạo, thực tế đã phát hiện có những trường hợp nhiều doanh nghiệp cố tình lách luật bằng cách dùng thùng hàng thấp, thùng hàng có trọng lượng siêu nhẹ để lọt qua cửa cơ quan đăng kiểm. Sau đó, khi sử dụng, họ lại gia cường, lắp thùng hàng khác vào để chở, khiến tải trọng xe khi chở hàng tăng gấp vài lần so với mức cho phép.
Nhà thầu cũng phải chịu phạt
Để giảm chi phí vận chuyển, chủ hàng hoặc đối tượng cấp hàng luôn yêu cầu doanh nghiệp vận tải, chủ xe phải chở hàng trong thời gian nhanh nhất. Chủ doanh nghiệp vận tải vì lợi nhuận và muốn sớm hoàn tất hợp đồng nên nhắm mắt làm liều. Trong khi đó, việc xử phạt các đối tượng trên vẫn chưa được pháp lý hóa, nên khi xảy ra tình trạng xe chở quá tải vi phạm giao thông hoặc bị phát hiện xe làm hư hại cầu đường thì không có điều khoản nào quy định trách nhiệm về hành vi vi phạm của những đối tượng này.
Theo trung tá Nguyễn Đình Đuân - Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ Công an cần “đón đầu” trong xử lý xe quá tải bằng cách xây dựng chế tài xử phạt cả những nhà thầu, bến cảng, đơn vị thi công có nhận xe quá tải phục vụ công trình. Nhà thầu để xe ô tô vi phạm kích thước thùng hàng, chở vật liệu quá tải cho dự án sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động, nếu tái phạm sẽ bị xem xét việc không ký hợp đồng thi công.
Có ý kiến cho rằng, cần đưa nội dung nhà thầu cam kết tuân thủ đúng quy định về tải trọng phương tiện và kích thước thùng hàng xe khi vận chuyển vật liệu cho dự án thành một nội dung trong hợp đồng và coi đây là một trong những tiêu chí để xem xét việc chấm dứt hợp đồng nếu để xảy ra vi phạm.
Nâng cao chất lượng cân
Theo các lực lượng chức năng, chất lượng cân tại các trạm cân đang “làm khó” họ khi xử lý xe chở quá tải. Trưa 6/8, tại Trạm cân số 15 trên QL1 thuộc địa bàn Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), với 3 lần cân liên tiếp chiếc xe tải BKS 76K-7904 đã cho 3 kết quả khác nhau về quá tải trọng lần lượt là: 126,7%; 118,7%, 129,4%.
Tình trạng này cũng xảy ra khi cân xe biển số 90C - 01839 tại trạm cân liên ngành số 1 tỉnh Hà Nam (km11, ĐT494) trưa 5/8. Xe này qua 3 lần cân cũng cho 3 kết quả quá tải lần lượt là: 93,2%; 79,7%; 67,1%. Trước những kết quả chênh lệch này, dù lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian giải thích nhưng lái xe vẫn nhất quyết không chịu ký vào biên bản vi phạm, thậm chí còn ghi hẳn vào biên bản lý do không chấp nhận kết quả cân.
Giải thích về những sai lệch này, một cán bộ tại trạm cân cho biết, mỗi lần cân có kết quả khác nhau do tài xế điều khiển xe với tốc độ không đồng đều. Tuy nhiên, ngành Giao thông cũng nhận thấy do vị trí đặt cân và hạ tải; mặt đường không bảo đảm độ phẳng và cứng nên thiết bị cân giảm độ chính xác, dễ hư hỏng; bàn cân không chịu được độ ẩm khi có mưa nhỏ gây chập dẫn đến kết quả cân sai quá lớn. Để giải quyết tình trạng này, trong thời gian tới các địa phương sẽ tiến hành kiểm tra bằng bộ cân đã được cấp, cân xách tay trên các quốc lộ 1, 5, 51, 20, 14, 70 và các quốc lộ trọng điểm khác.
Bài và ảnh: Quang Vũ