Xuân năm nay, nhiều bản làng ở Điện Biên như khoác lên một diện mạo mới bởi sự xuất hiện của 5.000 ngôi nhà mới. Đó là những ngôi nhà được xây dựng nên bằng tình đoàn kết, sự sẻ chia, minh chứng sinh động của truyền thống “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc Việt Nam.
Hoàn thành 5.000 ngôi nhà đại đoàn kết
Với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc", tháng 5/2023, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động ủng hộ xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo của tỉnh Điện Biên để hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mục tiêu xây dựng 5.000 ngôi nhà cho hộ nghèo của địa phương này. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa không chỉ trong công tác chăm lo cho người nghèo tỉnh Điện Biên mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, tổ chức, cá nhân quan tâm chăm lo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, căn cứ cách mạng.
Để triển khai làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo đạt hiệu quả, tỉnh Điện Biên thành lập Ban Chỉ đạo Đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh (Đề án 09) các cấp, Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Ban Chỉ đạo các cấp đã vào cuộc quyết liệt cùng cả hệ thống chính trị, bởi vậy, việc triển khai Đề án được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Điện Biên Đông là địa phương đầu tiên trong tỉnh hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đề ra. 574 hộ được hỗ trợ làm nhà, trong đó, 526 hộ chủ động làm nhà, còn lại được chính quyền địa phương hỗ trợ do không đủ khả năng tự xây dựng nhà.
Theo ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 09 huyện Điện Biên Đông, huyện triển khai làm 574 căn nhà trong 5 tháng và về đích đầu tiên của tỉnh. Những kết quả đó có được do huyện xác định ngay từ khâu triển khai kế hoạch và công tác tuyên truyền Đề án.
Chương trình làm nhà cho người dân bởi vậy phải dựa vào dân là chính và có sự tham gia của bà con. Nếu vẫn làm theo các chương trình trước đây là bố trí lực lượng dân quân, thanh niên tham gia sẽ không hoàn thành. Bởi vậy, khi tất cả hộ được hỗ trợ làm nhà cùng đồng loạt xây dựng nhanh hơn so với lực lượng chức năng làm lần lượt. Ban Chỉ đạo huyện huy động lực lượng hỗ trợ gia đình không đủ khả năng tự làm nhà nhằm đảm bảo tiến độ trong toàn huyện.
Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông cho biết, để đảm bảo tiến độ, trách nhiệm thuộc về cán bộ trong Ban Chỉ đạo. Nếu chậm tiến độ, người đứng đầu phải là báo cáo và nhận trách nhiệm. Bởi vậy, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tiến độ Đề án 09 hoàn thành hơn mong đợi.
Đến cuối tháng 1/2024, toàn bộ 5.000 căn nhà đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh hoàn thành, trong đó, có 1.810 nhà xây, 1.901 nhà gỗ truyền thống, 1.289 nhà khung sắt. Các căn nhà đều đảm bảo yêu cầu về chất lượng, diện tích nhà từ 36m2 trở lên.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường khẳng định, làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên là một trong những chương trình trọng điểm, thiết thực nhất theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực của Đảng bộ tỉnh Điện Biên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và 10 huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cho đến Ban Chỉ đạo cấp xã đều do Bí thư cấp ủy đứng đầu. Tập thể Ban Thường vụ và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo cấp huyện thực hiện quyết liệt đúng mục tiêu, tiêu chí và tiến độ đặt ra của Trung ương MTTQ Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhấn mạnh, 5.000 ngôi nhà mới được hoàn thành trước Ngày thành lập Đảng và cũng là dịp Tết Giáp Thìn giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh được đón Tết ấm cúng, đại đoàn kết. Đây là sự tri ân thiết thực nhất đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên sau 70 năm làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ấm áp những ngôi nhà mới
Tranh thủ thời tiết khô ráo những ngày giáp Tết, anh Lò Văn Hiền cùng vợ là Quàng Thị Thi ở thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông) đang hoàn thiện nốt việc ốp gạch ở công trình phụ chuẩn bị đón Tết. Là hộ nghèo, bản thân anh Hiền đau ốm, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu đến từ người vợ đi làm nông, phụ hồ. Được hỗ trợ xây ngôi nhà mới khang trang, gia đình anh chị không còn thấp thỏm lo âu mỗi khi trời mưa gió và sẽ đón một mùa Xuân mới ấm áp hơn.
Chị Quàng Thị Thi cho biết, cuộc sống gia đình chị trước đây rất khó khăn, chồng ốm đau triền miên, chỉ giúp vợ việc nhà. Chị phải đi làm phụ hồ kiếm tiền cho con ăn học và chữa bệnh cho chồng. Nhà cửa dột nát, gia đình không có tiền để sửa chữa. Gia đình chị rất hạnh phúc khi được Đảng, Nhà nước hỗ trợ làm cho căn nhà mới khang trang.
Các con đi học xa về quê ăn Tết sẽ thấy ngôi nhà mới khang trang. Cả nhà sẽ đón một cái Tết vô cùng hạnh phúc, chị Thi xúc động chia sẻ.
Niềm vui ngập tràn của những ngày đầu tiên sống trong căn nhà mới đó cũng chính là tâm trạng chung của 574 hộ nghèo trên địa bàn huyện Điện Biên Đông. Đối với anh Tòng Văn Bánh, xã Na Son (huyện Điện Biên Đông), dù ở trong căn nhà mới được 3 tháng nhưng với anh đây vẫn như là giấc mơ.
Năm nay, anh chuẩn bị cành đào đẹp nhất để giữa gian chính căn nhà và cùng vợ trang hoàng nhà cửa đón Tết. Củi chuẩn bị đủ để dùng trong vài tháng, bánh chưng đã gói, gạo sắn có sẵn, đây sẽ là một cái Tết ấm áp và đủ đầy trong ngôi nhà mới của gia đình anh Tòng Văn Bánh.
Đến thăm những ngôi nhà đại đoàn kết vừa được hoàn thành, một hình ảnh vô cùng xúc động là nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ giữa trung tâm của ngôi nhà. Đó như là sự tri ân với Đảng với Nhà nước và cũng minh chứng cho niềm tin sắt son một lòng với Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường chia sẻ: "Chúng tôi rất cảm động khi đến thăm những ngôi nhà đại đoàn kết mới được hoàn thành, người dân trân trọng treo cờ của Tổ quốc và ảnh Bác Hồ giữa trung tâm của ngôi nhà. Đó là sự tri ân đối với Đảng, Bác Hồ và nhân dân cả nước. Việc treo cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ chính là sự khẳng định nhân dân mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ".
Tiếp thêm động lực để thoát nghèo
An cư rồi mới lạc nghiệp. Có căn nhà che mưa, che nắng, những hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên có thêm động lực yên tâm lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Sau khi hoàn thiện ngôi nhà mới, chị Lường Thị Ngắm đã làm thêm mái che sau nhà để nuôi tằm. Với ngôi nhà mới, chị có nhiều diện tích để nuôi tằm, từ đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 2-3 triệu đồng/tháng, thay vì phải đi làm thuê bên ngoài.
Quyết tâm đó càng được cổ vũ, đồng thuận đến từ người chồng là anh Tòng Văn Bánh. Anh Bánh chia sẻ, có căn nhà mới kiên cố, từ nay, gia đình sẽ cố gắng làm ăn. Trong đó sẽ làm một gian riêng cho vợ nuôi tằm, bản thân anh tích cực làm nương, ruộng có thêm nguồn thu nhập, quyết tâm xóa nghèo.
Trong ngôi nhà gỗ còn nguyên mùi sơn, chị Lầu Thị Pà ở xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) đang chất những bao thóc về phía góc nhà. Dù là hộ nghèo nhưng chị Pà vẫn chăm chỉ làm ăn, từ trồng lúa nương, nuôi ngan đến đi làm thuê thời vụ. Thế nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng gia đình chị vì ốm đau, đông con. Được Đảng, Nhà nước hỗ trợ xây dựng căn nhà đẹp, khang trang, chị càng phải phấn đấu, tu chí làm ăn hơn nữa để sớm thoát nghèo.
Theo Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông Mùa A Vảng, song song với việc chỉ đạo triển khai làm nhà cho hộ nghèo, huyện điều chỉnh nguồn vốn đầu tư của địa phương làm sao giải quyết tỷ lệ hộ nghèo của huyện nhanh nhất có thể.
Huyện xác định giảm nghèo phải bền vững, giảm nghèo đa chiều trước hết từ những thứ thiết yếu nhất như, điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà ở và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con. Đặc biệt đối với hộ được hỗ trợ làm nhà đợt này, phải làm sao để bà con sớm thoát khỏi hộ nghèo và tiếp tục tập trung chính sách cho hộ còn khó khăn hơn nhằm giảm nghèo bền vững.
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông, việc hỗ trợ làm nhà đã hoàn thành nhưng việc làm vẫn là vấn đề đặt ra cần giải quyết nếu muốn giảm nghèo bền vững. Huyện ban hành nghị quyết về giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở khu công nghiệp ngoài tỉnh cũng như đi xuất khẩu lao động.
Đến nay, toàn huyện có trên 4.000 lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh. Huyện tích cực kêu gọi dự án đầu tư vào địa bàn, đặc biệt là nông nghiệp để người dân có thể làm việc ngay tại địa phương như trồng mắc ca, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc. Huyện xác định khi giảm nghèo bền vững vấn đề giải quyết việc làm là ưu tiên số một, bởi vậy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, định hướng đào tạo giải quyết việc làm cho người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho rằng, khi có ngôi nhà kiên cố ấm cúng người dân không còn di cư và đảm bảo ổn định cuộc sống tại chỗ, không phá rừng. Khi người dân được ở những ngôi nhà đại đoàn kết sẽ tập trung tại khu dân cư, được chính quyền các cấp đảm bảo nhu cầu thiết thực như, điện, nước, trường học, y tế, thuận lợi hơn nhiều so với di cư. Đảm bảo được cuộc sống ổn định, người dân tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Các hộ dân được hỗ trợ nhà có thêm động lực sớm thoát nghèo. Đó cũng là động lực để tỉnh thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Không khí Tết đã tràn ngập khắp đất trời, với 5.000 hộ nghèo tỉnh Điện Biên, Xuân năm nay thật khác. Đó là một mùa Xuân mang đến họ những căn nhà mới được xây nên bằng tình nhân ái, sự sẻ chia của người dân trên khắp mọi miền đất nước. Đây cũng là mùa Xuân thắp lên những hy vọng, ước mơ hoài bão và niềm tin sớm thoát khỏi đói nghèo.