Tại huyện Văn Yên, mưa lớn đã làm sạt lở đất đá vào nhà dân, làm hai người dân ở thôn Gốc Nhội, xã Yên Thái thiệt mạng. Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (đoạn qua địa phận xã Yên Thái) bị sạt lở ta luy âm nên phải tạm dừng tất cả các chuyến tàu.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào, đoạn bị sạt lở dài khoảng 30 m, dưới nền đường sắt. Đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, giọ đá nhưng chưa đưa được máy xúc vào để xử lý, do điểm sạt lở khó tiếp cận. Đơn vị đang huy động nhân lực khắc phục trong thời gian sớm nhất để tuyến đường sắt lưu thông trở lại.
Tính đến 13 giờ ngày 7/10, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 379 ngôi nhà bị ảnh hưởng; trong đó có 1 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 5 nhà phải di dời tạm thời để đảm bảo an toàn, 330 nhà bị ngập nước. Diện tích lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp bị thiệt hại, ngập úng với tổng diện tích gần 91 ha; hơn 41 ha ao nuôi cá bị tràn, vỡ bờ…
Ngoài ra, một điểm trường của Trường Mầm non xã Vũ Linh (huyện Yên Bình) bị hư hỏng, ảnh hưởng; 26 điểm ngập úng cục bộ tại thành phố Yên Bái; tuyến đường tỉnh lộ 163 (đoạn qua địa phận xã Yên Thái, huyện Văn Yên) bị sạt lở với khối lượng khoảng 2.100 m3; tuyến đường Yên Thái - Ngòi A - Quang Minh - An Bình (Văn Yên) có hơn 20 điểm sạt lở ta luy dương… Nhiều công trình đường bộ, thủy lợi và hệ thống đường điện cũng bị sạt lở, ảnh hưởng… Ước thiệt hại khoảng 5,4 tỷ đồng.
Sau khi nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương kiểm tra, thống kê thiệt hại và huy động các lực lượng tại chỗ khắc phục để đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân; duy trì công tác trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời để người dân biết, chủ động phòng tránh. Các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra.