1 tháng của đợt dịch thứ 4, số ca mắc COVID-19 gấp 1,5 lần cả 3 đợt trước cộng lại

Theo nhận định của các chuyên gia, đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam phức tạp, quy mô lớn và mức độ nguy hiểm hơn hẳn các đợt dịch trước; mầm bệnh có thể đã phát tán rộng trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Kiểm soát dịch COVID-19 trong cộng đồng. Ảnh: TTXVN

Mầm bệnh âm thầm lây lan trong cộng đồng

Tính đến nay đã 1 tháng Việt Nam chống chọi với đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, hiện số ca bệnh còn tăng cao, các biện pháp chống dịch vẫn đang quyết liệt được triển khai, nhất là tại hai điểm nóng Bắc Giang và Bắc Ninh.

Tính đến trưa ngày 28/5, Việt Nam đã có tổng cộng 4.904 ca ghi nhận trong nước. Trong đó, riêng số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay đã là 3.334 ca; trong đợt dịch lần này cũng đã ghi nhận 12 ca tử vong. Như vậy chỉ trong vòng 1 tháng qua, Việt Nam đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 gấp gần 1,5 lần cả 3 đợt dịch trước cộng lại.

Nhìn lại 1 tháng sau khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Đợt dịch COVID-19 thứ 4 của Việt Nam có mức độ phức tạp hơn, quy mô lớn hơn nhiều so với các đợt dịch trước. Đợt này dịch lây lan nhanh, mạnh hơn do sự xuất hiện của các chủng virus mới số người mắc lớn tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn. Đặc biệt dịch đã tràn vào các bệnh viện, khu công nghiệp; trong khi đó, số người từ các bệnh viện, công nhân từ các khu công nghiệp đi về các địa phương rất lớn; nhất là vào dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. Vì vậy lần này, khả năng khoanh vùng, dập dịch rất vất vả, khó khăn; cần nhiều công sức, nhân lực và phương tiện hơn hẳn các đợt dịch trước.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp, khó lường, thời gian kéo dài hơn so với các đợt dịch trước. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang cùng các địa phương, đặc biệt là hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đang là điểm nóng dịch triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. Ngành Y tế phải huy động tổng lực, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương nỗ lực trong thời gian ngắn nhất kiểm soát được dịch bệnh.

Với mức độ phức tạp của đợt dịch lần này, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp rất khẩn trương, quyết liệt để sớm kiểm soát dịch. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo, vẫn cần lường trước đến tình huống dịch lây lan rộng nữa, có thể cần phải có phương án chung sống cùng dịch bệnh.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cảnh báo, hiện không thể loại trừ việc mầm bệnh đã di chuyển trong cộng đồng, đã xuất hiện ở nhiều nơi; vừa qua một số địa phương đã phát hiện các ca bệnh cộng đồng như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Có thể có những ca bệnh sẽ không thể truy vết được.

Với việc ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 ngẫu nhiên trong thời gian qua, theo các chuyên gia, mầm bệnh có thể đã âm thầm lây lan từ trước trong cộng đồng. Tuy nhiên, phải xem xét, giải trình tự gen mới biết virus đang lưu hành thuộc chủng nào, nếu là biến chủng từ Ấn Độ là mới xâm nhập gần đây; hay biến chủng virus từ Anh có thể đã lây lan từ trước đó. Vì có rất nhiều người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng bệnh, họ vẫn khoẻ mạnh, sinh hoạt bình thường thì không biết được, chỉ có thể tầm soát ở những người ốm, có triệu chứng.

Với chủng virus mới số ca mắc gấp nhiều lần các đợt dịch trước, các ca bệnh nặng cũng tăng lên theo tỷ lệ. Nhất là khi dịch lan rộng, số ca bệnh nhiều, bệnh nhân điều trị ở các tuyến y tế có năng lực thấp hơn thì khả năng xử trí, cứu chữa cũng khó khăn hơn trước.

Nếu phòng bệnh nghiêm túc, sẽ không đáng sợ

Về việc nhiều người cho rằng SARS-CoV-2 đã lây trong không khí nên tốc độ lây lan nhanh hơn, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng: Hiện trên thế giới chưa có khẳng định nào về việc virus SARS-CoV-2 lây qua không khí. Cơ chế lây lan của virus này vẫn được khẳng định là qua các giọt bắn. Tuy nhiên, trong trường hợp ở trong phòng kín, dùng điều hoà, virus có thể qua giọt bắn ra bên ngoài theo luồng gió lưu thông của điều hoà lơ lửng trong không khí. Cụ thể, nếu phòng kín, có nhiều người, có điều hoà nhiệt độ như trong các quán bar, quán hát, giáo đường… nếu có giọt bắn mang mầm bệnh bắn ra có thể quẩn quanh trong phòng và ai hít phải có thể lây nhiễm.

Chuyên gia cũng cho biết, cần phân biệt rõ trường hợp này với lây qua không khí; trừ khi các hạt các chứa virus phải nhỏ hơn 0,5 micromet mới có thể phát tán qua không khí; trường hợp này sẽ không có khẩu trang nào có thể ngăn được ngoài khẩu trang N95.

Như vậy với cơ chế lây qua giọt bắn, việc lây lan khó xảy ra hơn khi ở môi trường ngoài trời; việc lây lan chỉ có thể xảy ra nếu có tiếp xúc gần. Ở môi trường thoáng khí như ngoài trời, nếu người dân luôn cảnh giác, áp dụng đúng 5K, đeo khẩu trang đúng cách sẽ khó có thể bị lây nhiễm.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng khuyến cáo, trong bối cảnh dịch bệnh đã xuất hiện trong cộng đồng như hiện nay, người dân không nên hoang mang mà cần bình tĩnh thực hiện đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, giữ khoảng cách đúng, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên; không tụ tập đông người sẽ ít có khả năng lây nhiễm.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, mỗi người dân cần có những thay đổi tạo thói quen mới để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Cụ thể, cần hạn chế đến những nơi không thoáng khí, dùng điều hoà như: Quán bar, phòng hát, quán nhậu… trong phòng làm việc cũng nên để thoáng khí, hạn chế dùng điều hoà, mở cửa thông thoáng.

Đặc biệt, thói quen tụ tập đông người tại các cuộc họp, liên hoan, đám cưới, ăn cỗ… cũng cần hạn chế, để tạo khoảng cách. Với những cuộc tụ tập bắt buộc thì phải đảm bảo khoảng cách, ghế ngồi hợp lý. Đặc biệt, người dân cũng cần tạo thói quen ra đường là phải đeo khẩu trang, trong người luôn có chai nước sát khuẩn, không đứng gần người khác để đảm bảo hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Một tháng hơn 3.000 ca mắc COVID-19, cả nước hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh
Một tháng hơn 3.000 ca mắc COVID-19, cả nước hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh

Tính đến sáng 27/5, tròn một tháng kể từ khi bệnh nhân đầu tiên của đợt dịch thứ tứ tại Việt Nam được công bố là bệnh nhân 2857 và lây nhiễm từ ca nhập cảnh tại nơi cách ly, Việt Nam đã vượt mốc hơn 3.000 ca lây nhiễm trong nước trong 30 ngày, nhiều hơn cả 3 đợt dịch trước cộng lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN