Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm não vi rút là một bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao, kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê…
Bệnh viêm não và viêm màng não thường xảy ra vào mùa nắng nóng, đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 8. Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 130 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (4 trường hợp tử vong), 7 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu.
Tại Hà Nội, tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến ngày 20/5 đã ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2019. Đó là một cháu bé 4 tuổi ở huyện Chương Mỹ nhập Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật… Sau khi được các bác sỹ tích cực điều trị, hiện sức khỏe của cháu bé đã tiến triển khả quan.
Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, đang vào mùa dịch nên để chủ động phòng chống bệnh viêm não vi rút, trong đó có viêm não Nhật Bản, người dân cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải đặt cách xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy; nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp diệt muỗi. Không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi; hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
Đặc biệt, nếu có các dấu hiệu sốt cao, kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.