Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ tháng 4/2022 đến nay trên địa bàn đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số đơn vị khám chữa bệnh trực thuộc như: Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu, Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc. Trong đó, tập trung chủ yếu tại Bệnh viện Bà Rịa, như: Các loại thuốc dùng trong gây tê, gây mê, thuốc điều trị suy tim, thuốc điều trị đái tháo đường phía đơn vị cung ứng không có hàng. Hiện, phía bệnh viện đã có thuốc thay thế.
Các loại thuốc còn trong hợp đồng mua thuốc như: thuốc gây tê, gây mê, giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, thuốc điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, thuốc tim mạch, thuốc điều trị da liễu, thuốc tẩy trùng và sát khuẩn…; vật tư y tế nằm trong danh mục đấu thầu tập trung như: dây truyền dịch, bơm tiêm các loại, kim luồn, găng tay… phía bệnh viện đang thiếu nhưng phía đơn vị cung ứng không giao thuốc, vật tư y tế hoặc chỉ giao với số lượng hạn chế so với số dự trù của đơn vị. Nguyên nhân là do bệnh viện nợ quá hạn một số nhóm thuốc, vật tư y tế chưa thanh toán với phía đơn vị cung ứng.
Sở Y tế cũng thông tin, từ đầu năm đến nay trên địa bàn có 1 nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó có 26 bác sỹ. Nguyên nhân việc nhân viên y tế của tỉnh xin nghỉ việc với số lượng lớn là do mô hình y tế tư nhân ngày càng phát triển, trong đó có nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân có nhu cầu tuyển dụng bác sỹ với các chính sách về tiền lương, chế độ đãi ngộ luôn cao hơn các đơn vị y tế công lập, nên đã thu hút nguồn lực y tế. Bên cạnh đó, thu nhập từ nguồn lương của nhân viên y tế chưa đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của công chức, viên chức, thấp hơn nhiều nhân viên y tế tư nhân, áp lực công việc lại quá lớn.
Về vấn đề thu, chi tại các đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn, Sở Y tế tỉnh cũng cho biết, qua công tác thanh quyết toán năm 2021 và tổng hợp 3 năm 2019-2021 có 7 đơn vị khám, chữa bệnh chênh lệch thu, chi âm, với tổng số tiền hơn 78,5 tỷ đồng.
Về thanh quyết toán bảo hiểm Y tế, số liệu thống kê của các đơn vị từ năm 2019 đến 2021 có 8 đơn vị vượt tổng mức thanh toán với số tiền trên 101 tỷ đồng, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tổng hợp báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết. Theo ngành Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay cách tính tổng mức thanh toán của Bảo hiểm xã hội chưa phù hợp dẫn đến kinh phí đơn vị đã bỏ ra sử dụng cho người bệnh nhưng chưa được bảo hiểm đồng ý quyết toán.
Trước những khó khăn trên, Sở Y tế đề xuất xin tạm ứng kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh đối với 5 đơn vị đang bị thâm hụt kinh phí, đó là: Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Y học Cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc.
Sở cũng đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sữa đổi lại phương pháp xác định trong tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho phù hợp với thực tế. Do các văn bản hướng dẫn xác định tổng mức thanh toán, đặc biệt là cách xác định chi phí tăng, giảm còn chưa rõ ràng, chưa thống nhất giữa Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội, gây khó khăn cho cơ sở khi thuyết minh chi phí tăng, giảm trong năm để xác định tổng mức thanh toán. Bên cạnh đó, việc xác định tổng mức thanh toán năm trước còn chậm chưa được giải quyết nên khó khăn không ít cho bệnh viện khi thiếu nợ các đơn vị cung ứng về tiền thuốc, tiền trang thiết bị y tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đề nghị phải đảm bảo nguồn thu cho cán bộ nhân viên y tế, đề nghị các đơn vị đang thâm hụt kinh phí phải làm ngay hồ sơ trình UBND tỉnh để ứng ngân sách. Về mua sắm trang thiếu bị, các đơn vị rà soát lại, làm đúng theo quy định của pháp luật.
Đối với hàng tồn kho phòng, chống dịch tại các đơn vị khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế thống kê lại và có kế hoạch sử dụng hàng tồn kho này, để không lãng phí nguồn lực.
Việc thiếu thuốc, vật tư y tế, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị khám, chữa bệnh thống kê, rà soát lại cụ thể báo cáo Sở Y tế để có phương án xử lý, không để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh cho người dân.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thọ lưu ý Sở Y tế đánh giá lại toàn bộ nguồn lực của ngành, số lượng thiếu, phân tích cụ thể nguyên nhân, dự báo nguồn lực thời gian tới, báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp tháo gỡ khó khăn.