Đây là tâm sự của cô Daniela Piñate, 36 tuổi, người Ecuador, khi nhớ về quãng thời gian khó khăn do bị trầm cảm sau sinh. Khác với Piñate, Catherine Burland, một cư dân thành phố Portsmouth của Anh, lại bị trầm cảm do hoàn cảnh sống và yếu tố di truyền. “Mẹ tôi gặp vấn đề nghiêm trọng về tâm thần và không thể chăm sóc tôi. Tôi được đưa tới trung tâm chăm sóc trẻ em lúc mới 3 tuổi và được nhận nuôi khi 7 tuổi. Sau đó, tôi được biết nhiều thành viên khác trong gia đình mình cũng mắc các bệnh về tâm thần. Từ khi còn nhỏ, tôi đã có rất nhiều cảm xúc không biết gọi tên. Đến tuổi thiếu niên, tôi bị trầm cảm nặng. Tôi luôn thấy bị mắc kẹt trong một hố đen.”
Những trường hợp bị trầm cảm như Piñate hay Burland không hề hiếm gặp trong xã hội hiện nay. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trầm cảm và lo âu là hai trong số những loại rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến nhất. Trong khoảng 1 tỷ người trên thế giới mắc chứng rối loạn tâm thần, có 280 triệu người bị trầm cảm, 301 triệu người mắc chứng lo âu và hàng triệu người khác bị rối loạn phát triển, rối loạn tăng động giảm chú ý, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và rối loạn hành vi.
Đáng quan ngại, khoảng 20% số trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Những người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng sẽ chết sớm tới 20 năm do những vấn đề sức khỏe có thể phòng ngừa được. Chưa kể tự tử cũng là một trong những lý do gây tử vong hàng đầu ở độ tuổi 15-29. Hơn nữa, tình trạng sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng đáng kể đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ hiệu quả học tập hay làm việc, cho đến mối quan hệ với gia đình và bạn bè cũng như khả năng tham gia vào cộng đồng.
Gánh nặng bệnh tật của những rối loạn tâm thần là rất lớn. Ước tính mỗi năm có 12 tỷ ngày làm việc hiệu quả bị mất đi do trầm cảm và lo âu, gây tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu gần 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, chi phí trực tiếp và gián tiếp cho các rối loạn sức khỏe tâm thần đang gia tăng đáng kinh ngạc, có thể lên tới 6.000 tỷ USD vào năm 2030, cao hơn cả chi phí của các bệnh ung thư, tiểu đường và bệnh về đường hô hấp.
Dù tỷ lệ mắc bệnh cao, gánh nặng bệnh tật lớn, nhưng chi tiêu y tế trung bình toàn cầu của các chính phủ dành cho sức khỏe tâm thần vẫn rất thấp, chỉ chưa đến 2% ngân sách, khiến hầu hết các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chỉ có khoảng 29% số người mắc chứng rối loạn tâm thần trên thế giới được chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Ở các nước thu nhập thấp, con số này là 12%. Không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cần thiết, bị lạm dụng tại chính các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần không đủ tiêu chuẩn, những người mắc các bệnh về tâm thần còn bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bị loại khỏi cộng đồng.
Tổng Thư ký Liên đoàn Sức khỏe tâm thần thế giới (WFMH), Giáo sư Gabriel Ivbijaro, thừa nhận rằng, bất chấp nhiều nỗ lực, tình trạng phân biệt đối xử liên quan sức khỏe tâm thần, những định kiến và kỳ thị gây hại trong cộng đồng, gia đình, trường học, nơi làm việc vẫn tồn tại, tạo rào cản cho quá trình hòa nhập xã hội của những người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần. Trước thực trạng này, năm nay, Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới (10/10) đã lựa chọn chủ đề “Sức khỏe tâm thần là quyền phổ quát của con người”, nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức và thúc đẩy các hành động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần của mọi người.
Theo WHO, sức khỏe tâm thần là quyền cơ bản của tất cả mọi người. Bất cứ ai, bất kể ở đâu, đều có quyền đạt được tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe tâm thần, vốn được định nghĩa là một trạng thái cân bằng, hài hòa, cả bên trong cơ thể và với môi trường. Điều này bao gồm quyền được bảo vệ khỏi các nguy cơ, quyền được tiếp cận, được chấp nhận, được chăm sóc với chất lượng tốt và có sẵn, cũng như quyền tự do hòa nhập vào cộng đồng.
Đặc biệt, việc tiếp cận các nguồn lực và sự hỗ trợ sức khỏe tâm thần trong những năm đầu đời có thể tạo ra sự khác biệt thực sự đối với sức khỏe và hạnh phúc của người trẻ cũng như người trưởng thành trong cuộc sống sau này. Đây nên là ưu tiên cần được thúc đẩy ở mọi quốc gia. Việc công nhận sức khỏe tâm thần là một quyền phổ quát sẽ trao quyền cho mọi người bảo vệ quyền lợi của mình và những người xung quanh.
Như chia sẻ của Catherine Burland, nhờ nhận thức được về vấn đề sức khỏe tâm thần từ sớm và được các chuyên gia tư vấn trợ giúp, cô vẫn có thể vững vàng trưởng thành. “Giờ đây, tôi dành thời gian hỗ trợ những người được nhận nuôi như tôi, giúp họ hiểu biết và vượt qua những khoảng thời gian đen tối và buồn bã, bởi tôi biết các vấn đề sức khỏe tâm thần có tác động lớn thế nào đối với từng cá nhân, gia đình và cộng đồng. Không ai tránh khỏi các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Điều quan trọng nhất là biết rằng bạn không đơn độc và bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.”
Trong thông điệp nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới 10/10 năm nay, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng khẳng định, việc đề cao sức khỏe tâm thần như một quyền phổ quát của con người là nhằm xây dựng một thế giới lành mạnh hơn, nơi tất cả mọi người đều phát triển. Theo người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, sức khỏe tâm thần không phải một đặc ân mà là quyền cơ bản của con người và phải là một phần của bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Ông tuyên bố: “Các chính phủ phải cung cấp dịch vụ chăm sóc thúc đẩy sự phục hồi của người dân và bảo vệ quyền của họ. Chúng ta phải giải quyết tình trạng lạm dụng và phá bỏ các rào cản ngăn con người tìm kiếm sự hỗ trợ. Không chỉ nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới mà còn trong mọi ngày khác, hãy cùng tái khẳng định và bảo vệ sức khỏe tâm thần như một quyền phổ quát của con người, và cùng nhau xây dựng một thế giới lành mạnh hơn - nơi mọi người đều có thể phát triển.”
Trước những thách thức toàn cầu đang diễn ra, từ bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng đến biến đổi khí hậu, xung đột, suy thoái kinh tế hay dịch bệnh, nhu cầu ưu tiên sức khỏe tâm thần như một quyền cơ bản của con người chưa bao giờ cần thiết hơn thế. Có thể nói, Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới năm nay là cơ hội để thế giới hành động và khẳng định rằng, sức khỏe tâm thần với tư cách là một quyền phổ quát của con người, không chỉ đơn thuần là khát vọng, mà còn là một một mục tiêu có thể đạt được.