Không chủ quan
Với tinh thần không được phép chủ quan mà phải chủ động từ đầu, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh bùng phát ở nhiều quy mô, đối tượng, môi trường khác nhau ở cấp thành phố.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thành phố không được phép chủ quan, nhất là hiện nay nhiều người Việt Nam từ nước ngoài trở về. Hiện mỗi ngày có 1.300 - 1.700 người nhập cảnh ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong 10 ngày tới có khoảng 17.000 người, nên thành phố phải chuẩn bị giường cho khu cách ly tập trung, lên phương án chống dịch cụ thể (tổng số giường cách ly, tổng số người về và các dịch vụ hậu cần kèm theo...) để cân đối chặt chẽ. Các quận, huyện cần lưu ý các trường hợp công dân từ nước ngoài về, dù xét nghiệm âm tính nhưng vẫn cần hạn chế đi lại, sử dụng các biện pháp phòng dịch khi đi ra ngoài trong thời gian được quy định cho người phải cách ly.
Các sở, ban, ngành, doanh nghiệp thành phố và Chủ tịch UBND 24 quận, huyện nắm chắc, sát tình hình liên quan đến dịch bệnh, nhất là ở địa bàn, đơn vị mình phụ trách. Các đơn vị quyết liệt thực hiện phương châm 5 tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch, gồm: Lực lượng chống dịch tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, trang thiết bị tại chỗ; thuốc men, sinh thiết tại chỗ và nhiệm vụ tại chỗ. “Trong công tác chống dịch phải đảm bảo tinh thần khẩn trương, kịp thời, phối hợp đồng bộ, hiệu quả, nhưng phải hết sức bình tĩnh và tự tin khi xử lý các tình huống”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế, đội ngũ y bác sĩ, quân đội, công an… Đây là đội ngũ làm việc trực tiếp trong công tác phòng, chống dịch, nếu một người nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người khác trong đội ngũ phục vụ, cũng như cộng đồng.
“Sở Y tế thành phố phải cam kết không để cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang làm công tác phòng chống dịch, nhất là ở các khu cách ly tập trung bị lây nhiễm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Phải đảm bảo sức khỏe cho các bác sĩ và nhân viên y tế, đảm bảo không có nhân viên nào làm quá 12 tiếng một ngày”, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu.
Phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm
Trước diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố duy trì chế độ họp hàng ngày để chỉ đạo, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, trong đó nhiều cuộc do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với những yêu cầu cụ thể, khẳng định quyết tâm phòng, chống dịch hiệu quả nhất, xác định ở giai đoạn hiện nay, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất, là tiền đề để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp.
Thành phố Hồ Chí Minh huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; quyết tâm kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan, vượt quá khả năng phòng, chống dịch của ngành Y tế các quận, huyện và thành phố, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về việc đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người đến tận từng người dân để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Các cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị phải là những người gương mẫu, vận động gia đình, người thân của mình thực hiện nghiêm túc.
Tại các buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thành phố không thiếu nguồn lực cho phòng chống dịch, đặc biệt không thiếu khẩu trang. Khi học sinh đi học trở lại thì trong thời gian đầu, Thành phố sẽ cấp khẩu trang miễn phí. Các đơn vị chức năng có phương án đảm bảo an toàn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan mình, không để cơ quan có người bị lây nhiễm dịch bệnh, dẫn đến phải đóng cửa cơ quan, làm ảnh hưởng đến sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành công việc của mỗi cơ quan, quận, huyện và thành phố...
UBND Thành phố Hồ Chí Minh khuyến nghị người dân, tổ chức, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến để thực hiện các thủ tục hành chính mức độ 3 và 4 thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến Thành phố Hồ Chí Minh https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/. Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân và chủ động phòng, chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, việc hạn chế tiếp xúc, làm việc tại nơi đông người là rất cần thiết. Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh giảm 20% khi đăng ký dịch vụ công trực tuyến và sử dụng dịch vụ nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cường sử dụng hệ thống hội nghị trực tuyến (tại địa chỉ www.hoinghitruyenhinh.tphcm.gov.vn) với hơn 100 điểm cầu đã được kết nối, hoạt động thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của thành phố. Việc sử dụng hệ thống hội nghị trực tuyến để tổ chức các hội nghị, tập huấn, cuộc họp trực tuyến với các đơn vị nhằm hạn chế tiếp xúc nơi đông người trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. UBND Thành phố cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến nhằm tránh tập trung đông người.
Cả hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh đang vào cuộc tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, rất cần mọi người dân, người nước ngoài đang sinh sống tại thành phố hãy nâng cao ý thức tự phòng, chống dịch bệnh, tích cực tham gia hoạt động bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng. “Xem việc tự cách ly và thông báo cho chính quyền địa phương, gia đình, bạn bè, người thân về nguy cơ mắc COVID-19 là trách nhiệm, quy tắc sống cần tuân thủ”, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhắn nhủ.