Phát biểu với các nguyên thủ quốc gia châu Phi tại một sự kiện quốc tế lớn ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia ngày 9/2, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina cho biết khoảng 58,5 triệu trẻ em tại châu Phi nằm trong diện chậm phát triển, tạo tác động bất lợi tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế của châu lục này.
Chủ tịch AfDB nhấn mạnh châu Phi là lục địa duy nhất chứng kiến số lượng trẻ em suy dinh dưỡng, chậm phát triển không ngừng tăng trong suốt 2 thập kỷ qua (50,3 triệu trẻ và 58,5 triệu trẻ lần lượt trong 2 thập kỷ kết thúc vào năm 2008 và 2018). Trên phạm vi toàn cầu, số trẻ chậm phát triển và còi cọc của châu Phi lần lượt chiếm tỷ lệ 39% và 28%. Các em nhỏ này thường chậm phát triển về trí tuệ và thể chất, thậm chí nhiều trường hợp chết yểu.
Lãnh đạo AfDB nhấn mạnh số lượng lớn các trẻ nhỏ còi cọc tại châu Phi đồng nghĩa với các nền kinh tế của châu lục chậm phát triển trong tương lai, với việc cứ 1% chiều cao mất đi ở người trưởng thành do còi cọc khi còn nhỏ sẽ làm mất đi 1,4% sản lượng kinh tế.
Chủ tịch Adesina cho biết ngân hàng này đã đề xuất một số sáng kiến nhằm ứng phó với tác động tiêu cực của tình trạng trẻ em còi cọc. Đáng chú ý, AfDB đã thành lập Ủy ban Các nhà lãnh đạo châu Phi về dinh dưỡng (ALN) nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân và các nhà lãnh đạo về vấn đề này, thúc đẩy tăng nguồn vốn đầu tư của các chính phủ các quốc gia châu Phi để sớm chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Phi (AU) hồi tháng 2/2019, AfDB đã công bố bản đánh giá Trách nhiệm Dinh dưỡng châu lục. Văn bản này đã cung cấp cái nhìn sơ bộ về những tiến bộ, những hạn chế và những nước, những khu vực cần phải hành động mạnh mẽ để đạt các mục tiêu về dinh dưỡng mà các nhà lãnh đạo châu Phi đã đồng thuận.
Ngoài ra, AfDB đang hỗ trợ các nước châu Phi triển khai các sáng kiến ngăn chặn tình trạng chậm phát triển, thể trạng còi cọc ở trẻ nhỏ. Điển hình, ngân hàng đang chuẩn bị triển khai dự án 45 triệu USD hỗ trợ Chính phủ Ethiopia nhằm xóa bỏ các nguyên nhân cơ bản của tình trạng suy dinh dưỡng thường xuyên cũng như chấm dứt tình trạng còi cọc ở trẻ dưới 5 tuổi vào năm 2030.
Với dự báo dân số châu Phi tăng lên mức gần 2,6 tỷ người vào năm 2030 và dân số dưới 25 tuổi có thể chiếm hơn 50% vào năm 2050, Chủ tịch AfDB nhấn mạnh việc đầu tư cho các giải pháp mới mang tính sáng tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để chuyển đổi hệ thống cung ứng thực phẩm tại "Lục địa Đen" tương ứng với dân số gia tăng.
Ngoài ra, quan chức này cho rằng trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, cần phải đầu tư phát triển các kỹ năng cho giới trẻ châu Phi trong các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo.