Nhiều trường hợp bị bạo lực
Vụ việc mới đây nhất xảy ra vào ngày 6/8, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh). V.H.H. đưa mẹ vào cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng. Sau khi được bác sĩ can thiệp, cho thở máy thì mẹ của H. muốn đi vệ sinh. Bác sĩ giải thích rằng bệnh nhân không thể tự đi vệ sinh vì nguy hiểm tới tính mạng. Nhân viên Bệnh viện đã mang bô đến để bệnh nhân đi vệ sinh tại giường nhưng không được chấp nhận. H. đòi đưa mẹ đi đến phòng vệ sinh và bị bác sĩ can ngăn. Sau đó, H. bỏ ra ngoài rồi quay lại, tay cầm dụng cụ cắt móng tay (có lưỡi nhọn phía trong) với ý định hăm dọa bác sỹ.
Theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) về những vụ mất an ninh, trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh thì đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%) và điều dưỡng (15%). Có tới 90% số vụ việc xảy ra tại khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh (chiếm 60%) và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích về bệnh lý cho người bệnh, người nhà người bệnh. Các vụ hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60% số vụ việc), tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương (chiếm 20%).
Đối tượng gây mất an ninh và bạo hành nhân viên y tế là người nhà bệnh nhân hoặc người đi cùng người bệnh đang bị kích động do không hiểu biết quá trình thăm khám, điều trị của cơ sở y tế.
Việc y, bác sỹ bị hành hung gây mất an ninh, trật tự tại cơ sở y tế, đè nặng lên tâm lý của đội ngũ y tế, khiến dư luận bức xúc và cuối cùng là làm giảm chất lượng khám, chữa bệnh.
Bác sỹ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), nhận xét: "Nếu coi bạo hành y tế như một cuộc đôi co ngoài đường phố thì đó là một sai lầm, bởi thực tế nó nghiêm trọng hơn rất nhiều. Khi bạo lực y tế gia tăng cũng giống như người bệnh đang tự đẩy chất lượng y tế xuống vực. Mặc dù đã nghe nhiều lời hăm dọa, nhưng chúng tôi vẫn bị sốc. Cả đêm không ngủ, cả sáng hôm sau làm việc trong trạng thái bất an… Hãy thử tưởng tượng bác sĩ với một tâm trí sợ hãi, một bàn tay run rẩy thì có thể cung cấp dịch vụ y tế tốt cho người bệnh hay không?".
Bác sĩ Phan Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao (Phú Thọ), cho rằng bệnh viện là địa điểm công cộng, là môi trường nhạy cảm và phức tạp, sự xuống cấp về đạo đức và ý thức pháp luật của một bộ phận người dân khiến họ có thái độ khinh nhờn các quy định của bệnh viện, sẵn sàng sử dụng nắm đấm khi có bức xúc tâm lý.
Công tác chăm sóc, khám chữa bệnh có tính rủi ro rất cao, các sự cố y khoa ngoài mong muốn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào ngoài khả năng đề phòng, ngăn chặn của người thầy thuốc. Đây là nguồn cơn chủ yếu dẫn đến những va chạm, xung đột giữa người nhà bệnh nhân với nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng được so với yêu cầu của xã hội, dẫn đến một số trường hợp bệnh nhân hay người nhà bức xúc tâm lý.
Một yếu tố rất quan trọng khác là công tác bảo vệ bệnh viện chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo vệ an ninh bệnh viện ở nhiều nơi còn thiếu thốn. Nhân viên bảo vệ không chuyên nghiệp, chưa qua các khóa đào tạo bài bản về nghiệp vụ an ninh, không đủ năng lực để khống chế đối tượng gây rối, thậm chí có trường hợp bảo vệ bỏ chạy khi các đối tượng côn đồ tấn công thầy thuốc.
Hiện nay pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về các biện pháp mà lực lượng bảo vệ bệnh viện được áp dụng trong các vụ bạo lực, gây rối, mức độ xử lý đối với các vi phạm pháp luật chưa đủ sức răn đe.
Công tác tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ y tế và nhân viên bảo vệ về các tình huống dễ dẫn tới xung đột còn chưa được tiến hành thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế công tác phòng, chống tội phạm và phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo bệnh viện trong việc bảo đảm an ninh bệnh viện có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều bệnh viện chưa chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các cấp để thực hiện tốt các phương án phòng, chống tội phạm và phòng ngừa vi phạm pháp luật trong cơ sở y tế.
Một nguyên nhân nữa là vẫn còn tình trạng nhân viên y tế ứng xử chưa đúng mực, hoặc chưa được trang bị một cách đầy đủ các kiến thức về ứng xử, gây hiểu nhầm hoặc gây bức xúc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Cần giải pháp đồng bộ
Cần có nhiều giải pháp đồng bộ để lập lại trật tự, an ninh bệnh viện. Bộ Y tế đã đề ra hàng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng cán bộ y tế bị hành hung. Đó là việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm hài lòng người bệnh; tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và công an, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh, xử lý thích đáng các vụ việc nổi cộm để hạn chế và răn đe các đối tượng quá khích trong bệnh viện.
Bộ Y tế đề nghị bổ sung vào Luật Khám, chữa bệnh phần trách nhiệm của người bệnh, người dân đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ.
Theo khoản 3, Điều 35 - Luật Khám, chữa bệnh, khi có dấu hiệu nguy hiểm đến bản thân, bác sĩ có quyền tự bảo vệ mình bằng cách từ chối khám, chữa bệnh. Các cơ sở y tế cần tiếp tục xây dựng đội ngũ bảo vệ an ninh bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp, có sự phối hợp với cơ quan công an trên địa bàn để can thiệp kịp thời với những đối tượng quá khích, thóa mạ, hành hung nhân viên y tế.
Điều 26 - Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng quy định: Mọi tổ chức và công dân có trách nhiệm giúp đỡ, bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế khi họ làm nhiệm vụ. Luật nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thầy thuốc và nhân viên y tế khi đang làm nhiệm vụ.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc chống bạo hành y tế trong xã hội cũng cần được coi trọng. Bởi vì trên thực tế vẫn có không ít ý kiến cho rằng bạo lực tại cơ sở y tế gắn liền với những tiêu cực trong đội ngũ nhân viên y tế, trong khi đó không ít trường hợp bạo lực không xuất phát từ sai sót của nhân viên y tế, thậm chí không phải sai sót từ ngành y.
"Kháng sinh bạo lực” là tên một tiểu phẩm của ngành y tế tỉnh Phú Thọ trong cuộc thi "Cán bộ y tế cơ sở giỏi”. Tiểu phẩm truyền đi thông điệp: Y đức là đạo đức nghề nghiệp thiêng liêng của người thầy thuốc trong quan hệ với bệnh nhân. Nhưng khi thầy thuốc bị tấn công, thì đây lại là một quan hệ khác. Người thầy thuốc với quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe được pháp luật bảo hộ, họ được quyền phòng vệ chính đáng.
Do đó, bên cạnh việc triển khai nghiêm túc đề án phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật tại các cơ sở y tế đã được Bộ Y tế ban hành ngày 17/1/2019 thì việc tập huấn cho nhân viên y tế làm chủ những kỹ năng ứng phó với bạo lực bệnh viện là điều nên làm.
Bác sỹ Phan Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đề xuất, cần đặt việc bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở y tế ngang hàng với yêu cầu nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh. Do đó, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng an ninh, hệ thống tường rào, camera an ninh, các cổng cách ly khu vực khám, chữa bệnh và khu làm việc, hệ thống còi, loa truyền thanh thì Trung tâm Y tế huyện đã hợp đồng thuê các đơn vị bảo vệ chuyên nghiệp. Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện cũng đẩy mạnh công tác tập huấn, mời các chuyên gia tới truyền đạt, trao đổi, hướng dẫn cho các y, bác sĩ, đội ngũ bảo vệ về văn hóa giao tiếp với nhân dân, cách phát hiện nguy cơ xung đột và các kỹ năng bỏ túi để ứng phó, xử lý tình huống xảy ra bạo lực. Từ đó, tình hình an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Y khoa, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội, nêu rõ: Bộ Y tế hoàn toàn có thể đề xuất với Chính phủ ban hành nghị định xử phạt những hành vi bạo hành cán bộ y tế xảy ra trong khuôn viên bệnh viện.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cũng như bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu đều cho rằng, về lâu dài phải giáo dục, thay đổi nhận thức, thay đổi cả hệ thống y tế.
Theo bác sĩ Hiếu, đã đến lúc phải nhìn nhận ngành y tế là nghề phục vụ, bác sĩ là người phục vụ người bệnh. Bác sĩ và người bệnh có quyền tương đương nhau, là mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và người hưởng dịch vụ. Tâm lý của bác sĩ phải thay đổi, khi “bán hàng” thì tâm thế phải khác với việc ban phát ân huệ. Ông cho rằng điều quan trọng là phải nâng cao trình độ chuyên môn của nhân viên y tế, từ đó thay đổi cung cách ứng xử, tránh “xung đột” giữa nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.