Những hoa quả chứa nhiều kali mà bệnh nhân chạy thận cần kiêng khem Theo BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, ngoài sự nỗ lực của các y, bác sĩ, sự phối hợp của bệnh nhân chạy thận nhân tạo có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình duy trì hiệu quả điều trị. Đó là lý do tại sao, khi nhập viện và cứ khoảng 1 quý/lần, các bệnh nhân trong khoa đều được cung cấp các kiến thức về thận nhân tạo, nhất là các nguy cơ biến chứng.
“Chúng tôi muốn bệnh nhân hiểu tại sao cần phải tuân thủ điều trị và cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để chủ động bỏ những thói quen không tốt cho bản thân. Riêng về chế độ dinh dưỡng, nhiều lần cán bộ y tế đã nhấn mạnh, nếu ăn nhiều hoa quả chứa kali như chuối, cam… bệnh nhân sẽ bị tăng kali máu và tử vong ngay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải cấp cứu nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch vì lỡ ăn nhiều hoa quả có hàm lượng kali cao”, BS Nguyễn Hữu Dũng cho biết.
Tại khoa Thận nhân tạo, các điều dưỡng cũng nắm rất chắc về các yếu tố nguy cơ để dặn dò, nhắc nhở bệnh nhân hàng ngày. Nhưng nhiều khi, ngay cả bệnh nhân đang chạy thận tại khoa (2 – 3 buổi/tuần) cũng không tuân thủ chế độ dinh dưỡng. Lắm khi, bệnh nhân than thở: “Không hiểu sao từ sáng đến giờ, tôi cứ bị nôn, chân tay rã rời…”, mà không nhớ đó là triệu chứng tăng kali máu, nguyên nhân cũng tại “quên” ăn nhiều hoa quả hoặc thức ăn chứa kali.
Các triệu chứng tăng kali máu ở người bệnh
|
Theo các chuyên gia thận nhân tạo, với người bình thường, chức năng thận còn tốt thì lượng kali máu không bao giờ vượt quá ngưỡng tăng. Nhưng khi bị suy thận, nhất là bệnh nhân thận suy thận hoàn toàn phải lọc máu thì lượng kali luôn có xu hướng tăng cao trong máu.
Trong khi đó, việc thừa kali rất nguy hiểm, dẫn đến kali máu tăng, gây biến chứng tim mạch: Bệnh nhân có cảm giác đánh trống ngực, nhịp tim bị bỏ nhịp, nặng hơn sẽ có tụt huyết áp, ngừng tim và sẽ tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Đó là lý do vì sao bệnh nhân thận nhân tạo luôn phải tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ điều trị, chế độ dinh dưỡng để tránh những biến chứng vô cùng đáng tiếc.
Cụ thể, người suy thận cần giữ chế độ ăn uống cân bằng, chia làm nhiều bữa, tránh những hoa quả chứa nhiều kali như cam, nho, chuối, bưởi, dâu, dừa, nhãn, chanh, mít,lựu, sầu riêng, kiwi…; hoặc các loại rau dền, rau muống, mồng tơi, bắp cải, nấm rơm, củ cải trắng, đậu cô ve, su hào… Đặc biệt, các loại hạt khô như đậu phộng, hạt điều, hạt dẻ, chocolate, café chứa hàm lượng kali nhiều hơn chuối đến 10 lần.
Bệnh nhân có thể giảm hàm lượng kali trong khoai tây, rau bằng cách đun sôi hoặc ninh nhừ rồi bỏ chất lỏng. Hàm lượng kali giảm một nửa nếu đun sôi trong 6 phút. Với rau sống, cắt nhỏ và ngâm trong nước sẽ giảm 1/5 hàm lượng kali.
Bên cạnh đó, bệnh nhân thận nhân tạo cũng cần tránh trái cây đóng hộp, hoa quả sấy như nho khô, mít khô, bim bim. Việc hạn chế các thực phẩm nhiều kali cần đặc biệt chú ý trong những ngày không chạy thận.