Bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng nhất vào thời điểm nào khi mắc bệnh?

Hầu hết các bệnh nhân COVID-19 đều có diễn tiến bắt đầu nặng lên từ khoảng 1 tuần sau khi nhập viện và nhiều trường hợp diễn biến bệnh rất nhanh.

Chú thích ảnh
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, chuyên gia cao cấp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, chuyên gia cao cấp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Qua theo dõi cho thấy, thời gian ủ bệnh trung bình của các bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện là từ 8- 10 ngày. Khi vào viện, hầu hết các bệnh nhân đều chưa có biểu hiện nặng ngay, mà thường có diễn biến nặng với những tổn thương ở phối khoảng 1 tuần sau đó".

Đây là đặc điểm rất khác với bệnh do virus SARS gây ra; với SARS, bệnh nhân thường viêm phổi nặng nề ngay từ khi mắc bệnh còn bệnh do COVID-19 thì khoảng 1 tuần sau mới nặng lên.

Theo đó, biểu hiện lâm sàng, tổn thương ở phổi của bệnh nhân COVID-19 cũng rất khác với SARS, Mers-CoV hay virus cúm. Đó là các tổn thương thường bắt đầu từ rìa phổi, đáy phổi trước sau đó mới lan dần vào trung tâm. Vì thế thời gian đầu mắc bệnh, bệnh nhân không có biểu hiện rõ ràng của suy hô hấp, lượng oxy vẫn tương đối tốt vì vẫn trao đổi oxy tốt. Nhưng sau đó bệnh lại diễn tiến rất nhanh bắt đầu từ những tổn thương đốt kính mờ ở phổi tập hợp thành nhiều nốt, thành các thuỳ và nặng nề hơn có thể so sánh giống như các viên đá lát vỉa hè. Dần dần nó sẽ làm cho bệnh nhân bị suy hô hấp.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, trong chiến lược để chiến đấu với COVID-19, chúng ta biết đây là bệnh về đường hô hấp và bệnh nhân nguy kịch là do thiếu oxy. Với các trường hợp khi bệnh nhân đã bị nặng, các tổn thương suy hô hấp rõ ràng, trong hướng dẫn Quốc gia về điều trị COVID-19 cũng đã định hướng là điều trị theo cá thể chứ không phải điều trị giống nhau cho tất cả các bệnh nhân.

Trong các bệnh nhân COVID-19, có người bị nhẹ, không có triệu chứng lâm sàng (chiếm khoảng 45%) chỉ phát hiện khi cách ly, xét nghiệm; có những người lại có triệu chứng lâm sàng từ nhẹ đến vừa và nặng (chiếm khoảng 55%).

"Đến nay đã có 8 bệnh nhân thể nặng phải thở máy, thở oxy… những trường hợp này bên cạnh rối loạn về hô hấp, bệnh nhân phần nhiều có những rối loạn về đông máu; đặc biệt có những dấu hiệu đặc thù mà chúng tôi tiên lượng sẽ diễn biến nặng. Với các tổn thương khác ngoài hô hấp, bệnh nhân có bệnh nền cũng nằm trong nhóm nguy cơ diễn biến nặng hơn. Tuy nhiên, cho đến hiện tại tất cả các bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đều được cứu chữa thành công, đó là nhờ cách thức và kinh nghiệm chống SARS, cúm đã thành công từ trước đó”, GS. TS Nguyễn Văn Kính nhận định.

 

Tin, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Đến sáng 13/5, đã 27 ngày không có ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng, Việt Nam được đánh giá cao trong phòng dịch
Đến sáng 13/5, đã 27 ngày không có ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng, Việt Nam được đánh giá cao trong phòng dịch

Tính đến 6 giờ sáng 13/5, Việt Nam đã có 27 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, các biện pháp phòng dịch của Việt Nam được WHO và thế giới đánh giá cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN