Ngày ra viện cũng là ngày hồi sinh đối với bệnh nhân COVID-19 Hoàng Văn Ngọc (48 tuổi, ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội), người vừa thoát khỏi bàn tay tử thần trở về ngoạn mục. Anh cũng là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất tại các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội trong thời điểm này.
Ngồi giữa sân bệnh viện Thanh Nhàn trò chuyện, anh Ngọc đã hoàn toàn khỏe mạnh, giọng nói đầy phấn khởi dù trên cổ vẫn còn miếng băng sau rút ống nội khí quản. Chính anh cũng từng nghĩ mình không qua khỏi, nhưng giờ đây anh đã có thể cười nói, chờ đợi giây phút về với gia đình.
Hơn 1 tháng kể từ khi mắc COVID-19, phải nằm viện là những ngày tháng khủng khiếp nhất trong đời anh. “Khi khu vực Tân Mai, Hoàng Mai xuất hiện các ca mắc COVID-19, tôi đã phải đi cách ly tập trung tại Thanh Trì, Hà Nội. Cố gắng vượt qua gần hết thời gian cách ly, chỉ còn vài ngày nữa được về thì tôi được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Tôi sốt rất cao tới 39-40 độ C, chưa bao giờ tôi lo lắng như thế. Nhưng tôi cũng không thể nào tưởng tượng được mình lại diễn biến nặng như vậy. Trước đó tôi rất khỏe, tôi cũng không có bệnh nền gì”, anh Hoàng Văn Ngọc cho biết.
Anh Ngọc được chuyển tới Bệnh viện Đống Đa để điều trị nhưng các triệu chứng ngày càng nặng lên, anh ho, khó thở nhiều. Sau đó anh được chuyển tới Bệnh viện Thanh Nhàn để tiếp tục theo dõi.
“Tôi cũng không nhớ hết việc mình được chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn lúc nào, chỉ biết lúc đó tôi đã rất khó thở, nhiều lúc cảm giác như có ai bóp chặt mũi mình lại. Lúc này, tôi chỉ biết tập thở, tôi cố gắng hít sâu liên tục theo hướng dẫn của bác sĩ. Tôi tự nhủ phải cố gắng, phải nghe theo bác sĩ, nếu không tôi sẽ chết. Cũng có lúc tôi tưởng mình sắp chết, cảm giác không hít được chút không khí nào vào phổi. Rồi mức độ khó thở tăng dần đến mức cực điểm, tôi cảm thấy không thể cố được nữa, tôi buông xuôi nằm yên… và tôi bắt đầu rơi vào hôn mê. Nhưng trong đầu tôi vẫn biết. Lúc đó, tôi lơ mơ nghĩ mình sẽ chết”, anh Ngọc nhớ lại những giây phút trước khi rơi vào hôn mê.
Ngay sau đó bệnh nhân Hoàng Văn Ngọc bắt đầu được đưa vào điều trị tích cực, mở khí quản, chạy ECMO… các bác sĩ đã dùng tất cả mọi biện pháp tốt nhất có thể để cứu sống người bệnh.
Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, Ths.BS Lê Văn Dẫn, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Ngày 3/8, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Thanh Nhàn. Bệnh nhân còn trẻ, hoàn toàn không có bệnh lý nền, nhưng lại diễn biến rất nặng. Trong quá trình điều trị cũng rất khó khăn vì bệnh nhân không đáp ứng được phương pháp như: Lọc máu, thở máy HFNC, thở oxy dòng cao, tình trạng bệnh nhân diễn biến rất nhanh; cuối cùng rơi vào tình trạng tổn thương ở phổi nặng, suy hô hấp. Ngay trong đêm 8/8, ê-kip chúng tôi đã quyết định hội chẩn, đưa ra phương án điều trị chạy ECMO (hệ thống tim, phổi nhân tạo) như là một vũ khí cuối cùng, hy vọng duy nhất để có thể cứu sống bệnh nhân”.
Trước khi đưa ra quyết định thực hiện kỹ thuật này, các bác sĩ cũng tiên liệu rằng, bệnh nhân có cơ hội hay không vì đã tổn thương phổi rất nặng. Tuy nhiên cả đội ngũ vẫn quyết tâm làm kỹ thuật này dù biết sẽ rất khó khăn.
Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, hệ thống ECMO đã được đặt xong; tuy nhiên, tình trạng oxy máu của bệnh nhân thấp, càng ngày càng tụt dần. Các bác sĩ phải luôn luôn túc trực bên canh cạnh để điều chỉnh máy thở, đảm bảo oxy cho người bệnh.
“Chúng tôi phải theo dõi rất sát chỉ số oxy, chỉ số huyết động; đặc biệt là tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân. Rất may, với các biện pháp điều trị tích cực, đến ngày thứ 3 bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu khả quan hơn, oxy tăng dần lên. Dù đã có tín hiệu mừng nhưng vẫn có nhiều thách thức phía trước, bởi phổi của bệnh nhân đã ở giai đoạn tổn thương đông đặc, xơ hóa; chưa biết trước có thể phục hồi được không. Các bác sĩ vẫn quyết tâm điều chỉnh hệ thống ECMO và hấp phụ bằng các biện pháp điều trị tích cực. Dần dần tình trạng bệnh nhân đã có dấu hiệu tốt lên, các chỉ số oxy đã có cải thiện, huyết áp cũng ổn định hơn. Chúng tôi phải giảm dần an thần để đánh giá ý thức của bệnh nhân và thấy bệnh nhân đã có ý thức, cử động, tay chân. Khi đó chúng đã nhìn thấy cơ hội sống của bệnh nhân”, Ths.BS Lê Văn Dẫn chia sẻ.
Chia sẻ cảm xúc sau khi may mắn trở về từ “cõi chết”, bệnh nhân Hoàng Văn Ngọc nhớ lại: “Khi bắt đầu tỉnh lại, nhận biết được xung quanh tôi mừng lắm, giống như được sống lại lần nữa. Nhưng những ngày đầu hồi phục, tôi vẫn rất khó khăn để tập thở. Thậm chí có cảm giác khó nhọc như trước lúc trở nặng. Tôi lại phải tập, tập liên tục hàng ngày, rất mệt để có thể kéo hơi vào phổi. Nhưng nhờ có các bác sĩ động viên, hỗ trợ, tôi cố gắng rất nhiều, nếu không thì tôi đã khó qua khỏi. Và tôi đã vượt qua được; tôi tiến triển tốt từng ngày. Đến nay tôi đã thấy hoàn toàn khỏe mạnh, thở đều, nhẹ nhàng như bình thường”.
Suốt hơn 1 tháng nằm viện, trong đó có 2 tuần phải chạy ECMO, bệnh nhân Hoàng Văn Ngọc liên tục được làm xét nghiệm PCR. Ngày 12/9, sau 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp, bệnh nhân được chuyển sang khu điều trị bình thường. Những ngày gần đây, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, người nhà đã có thể vào chăm sóc.
“Đây là ca mắc COVID-19 nặng đầu tiên điều trị bằng kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Chúng tôi đã nhận được sự tư vấn chuyên môn của các thầy thuốc bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai... trong quá trình điều trị cho người bệnh. Để có được thành công này còn là nhờ sự nỗ lực hết mình của các chiến sĩ áo trắng, ngày đêm bên giường bệnh theo dõi từng nhịp tim, nhịp thở, đếm từng giọt máu chăm sóc người bệnh tận tình. Đây không chỉ là niềm vui cho người bệnh mà còn là niềm hạnh phúc của đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Thanh Nhàn, đặc biệt là các y bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân; là động lực cho các y bác sĩ tự tin hơn để tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân”, BS. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ.