Bác sĩ Phan Bá Hiếu cho biết, nam bệnh nhân này nhập viện ngày 19/6 với tình trạng ho kèm sốt, đau họng. Khi thăm khám, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Ngay lập tức, bệnh viện đã tiến hành cách ly và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định như phun khử khuẩn, đồng thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gửi lên khoa Vi sinh và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Cả hai nơi đều cho kết quả dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó giám đốc bệnh viện Quân y 175, cho biết thêm 42 người, gồm nhân viên y tế, người tiếp xúc gần ở nơi sinh hoạt và học tập của bệnh nhân đã được cho uống thuốc dự phòng và xét nghiệm bạch hầu. Tất cả đều cho kết quả âm tính. Hiện tại, không có ca bạch hầu mới tại bệnh viện, nơi sinh hoạt và học tập của bệnh nhân.
Hiện tình trạng sức khỏe của nam bệnh nhân này ổn định, hết sốt, viêm đau họng còn rất ít. Các biến chứng do bạch hầu chưa thấy xuất hiện. Dự kiến trong tuần tới hoặc tuần sau, bệnh nhân có thể xuất viện. “Hiện bệnh viện chủ yếu theo dõi biến chứng độc tố của bạch hầu và đánh giá các tổn thương của bệnh nhân. Về mặt vi trùng, kháng sinh bệnh nhân đáp ứng tốt. Qua tổ chức soi cấy lại nhầy họng, bệnh nhân đã âm tính với bạch hầu”, bác sĩ Phan Bá Hiếu cho biết thêm.
Cũng theo bác sĩ Hiếu, các bác sĩ đã đã kết hợp cho bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh và sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Tuy nhiên, hiện nay huyết thanh kháng độc tố bạch hầu rất hiếm. Bệnh viện đã liên hệ với nhiều bệnh viện ở khu vực phía Nam nhưng hầu như các bệnh viện đều không có. Để có được loại huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, bệnh viện đã phải liên hệ với một đơn vị ở Hà Nội và chuyển loại huyết thanh này vào bằng đường hàng không để điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện cũng dự trữ thêm 10 liều huyết thanh này đề điều trị cho những bệnh nhân nặng được chuyển đến bệnh viện.
“Từ khi có vắc xin phòng ngừa, bệnh bạch hầu chỉ xuất hiện rải rác một vài ca chứ không xuất hiện thành dịch như hiện nay nên nhiều bệnh viện không còn dự trữ huyết thanh kháng độc tố bạch hầu hoặc có dự trữ nhưng cũng đã hết hạn sử dụng”, bác sĩ Hiếu lý giải về việc khan hiếm huyết thanh.
Theo các bác sĩ, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Bác sĩ Trần Quốc Việt cho biết, bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch. Bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh khi phát hiện sớm. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, vệ sinh nơi ở và đồ chơi trẻ nhỏ, đeo khẩu trang. Bác sĩ Việt khuyến cáo thêm, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu như ho, sốt, kèm khó thở thì nên đến cơ sở y tế khám bệnh và điều trị kịp thời. Bệnh chỉ trở nặng và có những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, liệt dây thần kinh hầu họng, ảnh hưởng đến tim mạch khi không được phát hiện và điều trị kịp thời.