Trao đổi về tình hình điều trị bệnh nhân mắc bạch hầu được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp cho biết: “Từ chiều ngày 7/7, Bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân M.T.B (18 tuổi, quê ở Nghệ An, làm việc tại Bắc Giang) có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu. Tại thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân này chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Bệnh nhân đã được các bác sĩ đã điều trị dự phòng sớm theo phác đồ, sử dụng kháng sinh diệt vi khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển… nên chưa có tình trạng biến chứng”.
Cũng theo BS. Nguyễn Trung Cấp, bệnh nhân đã nhanh chóng được điều trị ổn định và được chuyển về địa phương tiếp tục cách ly, theo dõi.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một số ca mắc bệnh bạch hầu chuyển đến từ tuyến dưới như Hà Giang, Điện Biên, phần lớn ca mắc ở mức độ nhẹ.
Chia sẻ về sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu, theo BS. Nguyễn Trung Cấp, sau thời gian ủ bệnh 2-5 ngày, bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện các triệu chứng giống như viêm họng: Đau họng, ho; một số bệnh nhân có biểu hiện sốt, khó nuốt, nuốt đau... Đa số các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu có thể dần hồi phục. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có tiến triển bệnh bạch hầu nặng và chuyển thành bạch hầu ác tính.
Biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu là giả mạc phát triển nhanh, lan tỏa xuống đường hô hấp, gây ra tình trạng bít tắc đường hô hấp; sặc, tắc đường thở… Nguy hiểm hơn là biến chứng viêm cơ tim do độc tố bạch hầu gây tác dụng mạnh đối với cơ tim. Những bệnh nhân bệnh bạch hầu thể ác tính có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim cấp... có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng, tử vong.
Bên cạnh đó, người bệnh mắc bạch hầu còn có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…
Bác sĩ cũng cảnh báo, khi người dân có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu như các dấu hiệu ở trên, nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời; tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.