Tranh thủ giờ trưa, chúng tôi được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sắp xếp một cuộc gặp ngắn với bệnh nhân COVID-19 số 19 (nữ, 69 tuổi) đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.
Giữa phòng bệnh rộng rãi chỉ có bệnh nhân 19 đang nằm điều trị, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy bà đã thở được như người bình thường, xung quanh không còn dây dợ máy thở; thậm chí là có thể trò chuyện được. Bởi cả một thời gian dài trước đây, bệnh nhân này đã từng trải qua rất nhiều lần vô cùng nguy kịch, thậm chí tưởng không thể qua khỏi. Sự hồi phục của bệnh nhân 19 có thể coi là một kỳ tích mà các y, bác sĩ Việt Nam đã tạo nên.
Nhìn thấy có người vào thăm, bà nở nụ cười, khẽ gật đầu chào. Trông bà hơi gầy nhưng sau cuộc chiến dài với COVID-19.
“Tôi đã ăn được cơm rồi, mỗi bữa 1 bát, đã có cảm giác đói, ăn ngon miệng. Tôi thấy mình đã hồi phục được tới 70%, tuy chưa tự bước đi được, vẫn phải có hỗ trợ của các điều dưỡng và người nhà. Tôi còn hơi mệt vì bị bệnh tim”, bà nhỏ nhẹ chia sẻ khi được hỏi thăm sức về khoẻ hiện tại.
Kể về những gì đã trải qua, bà cho biết, vẫn còn cảm giác rất sợ hãi, không chỉ lúc nghe tin dương tính với virus SARS-CoV-2, mà cả giai đoạn bệnh trở nặng dần và nhất là sau khi trải qua cơn nguy kịch vì ngừng tuần hoàn, ngừng tim.
“Lúc đó tôi không biết và không nhớ được gì. Khi tỉnh dậy tôi đã rất sợ hãi khi thấy đầy những dây dợ, máy móc xung quanh mình. Sau khi khỏe dần trở lại, giao tiếp được, tôi mới hỏi thăm tình hình của mình qua các điều dưỡng, bác sĩ và biết mình vừa trở về từ tay tử thần”, bệnh nhân 19 xúc động nhớ lại.
Rơm rớm nước mắt bà cho biết, giữ lại được mạng sống như giờ đây là nhờ công rất lớn của các bác sĩ, điều dưỡng đã hết lòng điều trị, chăm sóc trong thời gian dài vừa qua.
“Những ngày qua, các y bác sĩ và mọi người đã rất quan tâm đến sức khỏe của tôi. Tôi biết ơn lắm sự thương yêu, động viên ấy để tôi có thể hồi phục. Những ngày nằm viện có rất nhiều điều khiến tôi cảm động, nhất là trong hơn một tháng được chăm sóc khi tôi ở tình trạng nguy kịch, thậm chí các y bác sĩ còn phải phục vụ tôi tại chỗ, những điều đó tôi không bao giờ quên. Đến giờ tôi đã cảm thấy người nhẹ nhàng hơn rất nhiều và tự động viên mình cố gắng khỏe lại”, bệnh nhân 19 xúc động nói.
Video bệnh nhân số 19 chia sẻ cảm động khi được tận tình cứu chữa:
Điều bà mong mỏi nhất giờ đây là nhanh khỏe để được về nhà, nằm viện gần 3 tháng đã làm bà rất nhớ nhà, nhớ con cháu, nhất là những lúc tưởng chừng không còn được gặp lại người thân nữa.
Để có được sự hồi sinh kỳ diệu đó với bệnh nhân số 19 là cả sự nỗ lực rất lớn của các y, bác sĩ thời gian qua. Bởi bệnh nhân số 19 cũng là bệnh nhân có thời gian điều trị lâu nhất với hơn 2 tháng điều trị kể từ khi phát hiện mắc bệnh từ 6/3 đến nay.
Bệnh nhân diễn biến nặng từ ngày 15/3 và bắt đầu phải thở máy. Ngày 20/3, bệnh nhân phải can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) và duy trì sự sống bằng ECMO suốt 17 ngày. Trong quá trình ấy, phải lọc máu liên tục.
BS. Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Bệnh nhân nguy kịch nhất là vào ngày 8/4, sau khi đã có tiến triển và không cần đến ECMO được 4 ngày thì lại bị biến chứng sang viêm tim, loạn nhịp xảy ra và bệnh nhân ngừng tim. Lúc đó, chúng tôi đã phải khẩn trương áp dụng các biện pháp cấp cứu tối cấp nhất. Bệnh nhân được ép tim liên tục, thực hiện mọi biện pháp có thể. Hơn 40 phút đồng hồ đó thật sự là cuộc chiến “cân não” của các bác sĩ và ca trực. Rất may do trước đó được theo dõi sát sao 24/24, nên bệnh nhân được phát hiện kịp thời và sau những nỗ lực của ca cấp cứu, bệnh nhân đã hồi tỉnh trở lại. Đó là sự hồi sinh kỳ diệu của bệnh nhân và những nỗ lực của ê-kip cấp cứu, được giới chuyên môn đánh giá rất cao”.
Đến thời điểm này, bệnh nhân 19 là bệnh nhân nặng cuối cùng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Với những tiến triển như hiện tại, dự kiến đầu tuần tới, bệnh nhân có thể ra viện và sẽ tiếp tục được theo dõi sức khỏe.