Số bệnh nhân viêm da tiếp xúc do côn trùng tăng đột biến. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Tương tự, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt vào khám. Chỉ riêng trong ngày thứ bảy mới đây, Viện Da liễu Quốc gia cũng có tới 60 bệnh nhân đến khám liên quan tới viêm da do tiếp xúc côn trùng, trong đó nhiều ca là trẻ em…
Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội Nguyễn Minh Quang cho biết, theo chu kỳ hàng năm đây là thời điểm giao mùa, các loại côn trùng như kiến ba khoang, bọ xanh… phát triển, đặc biệt ở những khu vực có nhiều cây cối, bãi rác thải và công trình xây dựng “tấn công” người dân. Năm nay số bệnh nhân không tăng so với mọi năm và rải rác ở nhiều địa bàn.
Anh Nguyễn Văn Thắng, ở Khu đô thị Ecohom 2, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: Do đặc điểm xunh quanh khu vực có nhiều khu đất trống, ruộng rau sình lầy côn trùng phát triển nên đây cũng là điểm nóng phát sinh bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng do côn trùng. Tuy nhiên, một số người vẫn nhầm tưởng đây là căn bệnh zona tự mua thuốc bôi khiến bệnh không khỏi mà tổn thương da càng lan rộng hơn.
Trong số những bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Đình, 64 tuổi ở phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) và ông Nguyễn Thọ Tư, 34 tuổi, ở thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) cho biết đều không thực hiện các biện pháp phòng chống côn trùng và đi khám khi đã muộn. Có thể do vô ý khi côn trùng đậu vào cơ thể đã dùng tay đập chà sát làm dịch từ côn trùng bắn ra gây rộp, phỏng da, viêm da…
Theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Yến, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Da liễu Hà Nội, khi tiếp xúc với các loại côn trùng trên không nên đập mà hãy đuổi chúng đi, tránh không cho chất dịch lan rộng ra các vùng da khác. Trong trường hợp bị dịch độc do côn trùng bắn vào da, cần tránh lau rửa, chà sát, tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc bôi do chẩn đoán nhầm là bệnh zona khiến tổn thương lan rộng, bệnh nặng lên, làm da hoại tử, sau khi điều trị khỏi vẫn để lại sẹo trên cơ thể. Đối với bệnh này, nếu bệnh nhân đến ngay bệnh viện điều trị kịp thời thì chỉ 5 -7 ngày là có thể khỏi.
Tuy nhiên, để chủ động phòng chống bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng do côn trùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội Nguyễn Minh Quang khuyến cáo, những người ở khu vực có nhiều cây cối, đồng ruộng cần đóng cửa không cho côn trùng bay vào, đêm ngủ cần phải nằm màn, cần giặt khăn mặt, kiểm tra khăn, quần áo trước khi sử dụng. Buổi tối cần chụp bóng đèn tránh để ánh sáng thu hút côn trùng bay vào nhà.