Cháu T.N.B (13 tuổi, trú tỉnh Quảng Nam) được phụ huynh đưa đến nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Gia Đình trong tình trạng đau bụng dữ dội, toàn bụng co cứng.
Thăm khám tại đơn vị Cấp cứu ghi nhận, cháu T.N.B mệt nhiều, môi khô, lưỡi bẩn, vẻ mặt có biểu hiện nhiễm trùng, đau nhiều toàn bụng, thành bụng co cứng như gỗ, phản ứng thành bụng. Bệnh nhi được chuyển mổ cấp cứu với hội chẩn xác định viêm phúc toàn thể do thủng tạng rỗng, nghi ngờ thủng dạ dày tá tràng, xử trí bằng phẫu thuật nội soi.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình cho biết, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ quan sát thấy ổ phúc mạc của bệnh nhi chứa nhiều dịch mủ, giả mạc và có lỗ thủng hang môn vị dạ dày khoảng 1cm. Lỗ thủng này đã được ê-kíp bác sĩ khâu lại hoàn toàn bằng phẫu thuật nội soi. Nhờ đó, bệnh nhân hồi phục nhanh hơn so với mổ mở. Ngày thứ thứ 5 sau mổ, cháu T.N.B đã ổn định, ăn uống được, không còn đau bụng, có thể xuất viện.
Cháu T.N.B cho hay, trong thời gian nghỉ hè, cháu thường chơi game liên tục, có thói quen ăn uống không đúng giờ, sử dụng nhiều thức ăn nhanh và nước uống có gas. Khi vào viện cấp cứu, cháu đã có biểu hiệu đau bụng từ nhiều ngày trước.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng, thủng dạ dày tá tràng là một cấp cứu ngoại khoa. Bệnh lý hay gặp ở người độ tuổi từ 20 - 50 tuổi. Thông thường bệnh nhân có mắc bệnh viêm hay loét dạ dày tá tràng trước đó, do không được điều trị triệt để, dẫn đến thủng và gây viêm phúc mạc toàn thể, đe dọa tính mạng người bệnh. Trước đây, thủng dạ dày tá tràng là bệnh lý hiếm gặp đối với trẻ em. Điều này khiến các phụ huynh chủ quan, dẫn đến việc đưa bệnh nhân vào khám khi bệnh lý đã gây viêm phúc mạc toàn thể, tiên lượng nặng nề.
“Bố mẹ hãy cẩn thận trước những cơn đau bụng của trẻ, đặc biệt những cơn đau bụng kéo dài hơn 6 giờ, cần được thăm khám và chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa. Thủng dạ dày có thể xuất hiện ở trẻ em, ngay cả khi bệnh nhân chưa được chẩn đoán và điều trị bệnh lý dạ dày trước đó”, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng khuyến cáo.