Hà Nội: Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, thời tiết mùa Xuân mưa ẩm, thuận lợi cho việc phát sinh các bệnh về hô hấp như sởi, ho gà, cúm. Do đó, số ca mắc sởi trên địa bàn thành phố còn có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Kết quả điều tra cho thấy, 53,1% trường hợp mắc sởi là trẻ trên 5 tuổi và người lớn, 89,1% số ca mắc sởi chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân cần chủ động hơn nữa trong việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Các gia đình cần đưa trẻ từ đủ 9 tháng tuổi đến các điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1; khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại vắc xin phòng sởi mũi 2. Tất cả các trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa được tiêm bổ sung vắc xin phòng sởi – rubella trong chiến dịch (tháng 12/2018 và tháng 1/2019), cần được tiêm vét ngay càng sớm càng tốt. Đối với các trẻ lớn trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước ba tháng cũng cần tiêm bổ sung vắc xin phòng sởi để phòng bệnh cho cá nhân, cho thai nhi và cho cộng đồng.
Ngoài ra, để tránh bị nhiễm lây bệnh sởi, các bậc cha mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày, đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học là những nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tính đến ngày 26/1, Hà Nội đã tiêm vắc xin ComBE Five phòng 5 bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – viêm màng não mủ do Hib cho gần 17.000 trẻ. Tuy nhiên, trong chiến dịch tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi – rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố, kết quả tiêm đạt 95,59%. Hiện vẫn còn 4 đơn vị có kết quả tiêm chưa đạt quy định gồm: Đống Đa (57,9%), Hoàng Mai (85,6%), Ba Đình (93,4%), Hoàn Kiếm (94,4%).
Đắk Lắk: Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, bệnh sởi đang bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh sau khi được khống chế hoàn toàn vào cuối năm 2018. Ngành Y tế Đắk Lắk đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh.
Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, đầu năm 2019, tình hình bệnh sởi có diễn biến phức tạp khi số người mắc bệnh được ghi nhận ở nhiều độ tuổi khác nhau, có cả trẻ em và người lớn. Các trường hợp mắc sởi đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và hầu hết tập trung tại các điểm lõm trong tiêm chủng ở các địa bàn vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, ngành Y tế Đắk Lắk đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc thực hiện việc khám, sàng lọc, phát hiện bệnh sớm để tổ chức khu vực cách ly đảm bảo theo quy định, tránh lây chéo tại bệnh viện; tiến hành điều tra đối tượng tại những vùng dịch bệnh và những vùng có nguy cơ bùng phát dịch bệnh để tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng nghi ngờ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông trên toàn tỉnh về các biện pháp phòng chống bệnh sởi, đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa, vùng có nguy cơ cao bùng phát dịch.
Ngành Y tế Đắk Lắk khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống bệnh sởi tại cộng đồng và bệnh viện. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu ho, sốt, phát ban cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, cách ly và xử lý kịp thời.