Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, tính đến ngày 17/7, Bình Thuận ghi nhận khoảng 2.400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 122% so với cùng kỳ năm 2021. Ba địa phương có số ca mắc bệnh cao gồm: Tánh Linh (749 ca), Đức Linh (392 ca) và Bắc Bình (347 ca). Đáng lưu ý, số ca bệnh năm nay chiếm 3,1% so với tổng số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh (73 ca), tăng 121% so với cùng kỳ năm trước. Quá trình thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm mẫu kết quả phát hiện trên địa bàn tỉnh có 3 typ huyết thanh D1, D2, D4 gây bệnh lưu hành, trong đó chiếm tỷ lệ cao là typ D1.
Chỉ trong tháng 7/2022, Bình Thuận ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết. Một trường hợp là nam bệnh nhân, 23 tuổi, ngụ tại thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân. Ca tử vong thứ 2 là bệnh nhân nam, 50 tuổi, ngụ tại thôn 2, xã Nam Chính, huyện Đức Linh. Cả hai đều được Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán tử vong sốt xuất huyết nặng. Năm 2021, Bình Thuận không có ca nào tử vong vì bệnh này.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã tiến hành xử lý, giám sát 153 ổ bệnh tại 9/10 huyện, thị xã, thành phố. Riêng huyện đảo Phú Quý chưa ghi nhận ổ bệnh. Tại các địa phương có trường hợp tử vong, Trung tâm Y tế địa phương đã tiến hành xử lý triệt để ổ bệnh, huy động lực lượng xử lý, diệt lăng quăng, phun hóa chất tại chỗ và những khu vực xung quanh nơi ở của bệnh nhân để hạn chế bùng phát, lây lan bệnh sốt xuất huyết. Ngành Y tế cũng đẩy mạnh tuyên truyền người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc với khu vực phát hiện ổ bệnh, tăng cường các biện pháp phòng, chống, không để bệnh lan rộng.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng các Trung tâm Y tế tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, giám sát ổ lăng quăng nguồn, xử lý triệt để các ổ bệnh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế, bệnh viện tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng gây tử vong. Các Trung tâm Y tế tuyến huyện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, điều tra, xác minh đánh giá ổ bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ bệnh mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay công tác phòng, chống dịch trên địa bàn còn gặp phải một số khó khăn. Cụ thể như, từ đầu năm 2022, Thông tư 26/2018/TT- BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020 đã hết hiệu lực và hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn mục chi để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã làm công văn đề nghị các Trung tâm Y tế tuyến huyện chủ động tham mưu kinh phí từ địa phương và các nguồn hợp pháp khác. Nhưng tính đến tháng 7/2022, các Trung tâm Y tế hiện nay vẫn gặp khó khăn trong việc huy động kinh phí.
Ngoài ra, công tác triển khai mua hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch vẫn còn đang gặp khó khăn. Nguồn hóa chất tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng như các Trung tâm Y tế không đủ để phục vụ cho các hoạt động xử lý kịp thời các ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh cũng như chiến dịch phun hóa chất chủ động. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã xây dựng tờ trình gửi Viện Pasteur Nha Trang về việc xin hỗ trợ hóa chất để tiến hành phun chủ động phòng, chống muỗi sốt xuất huyết trên địa bàn.
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đến các sở, ban, ngành liên quan. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Y tế tổ chức đánh giá tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố huy động ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các xã, phường, thị trấn phối hợp ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, giám sát các dụng cụ chứa nước nơi muỗi sinh sản.
Trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp và gia tăng, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, ý thức phòng bệnh và không được lơ là với các biểu hiện của bệnh, nhất là với trẻ nhỏ. Đồng thời, ngành Y tế kêu gọi mọi người hãy chung tay phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Mỗi hộ gia đình, công trường, đơn vị… hãy sử dụng dụng cụ chứa nước có nắp đậy và hãy đậy nắp ngay sau khi sử dụng; thường xuyên chà cọ dụng cụ chứa nước; lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến; loại bỏ các vật thải gây đọng nước; khi ngủ phải treo mùng kể cả ban ngày... Khi có sốt, người dân không tự ý dùng thuốc mà hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị.
Tại Bình Thuận, bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh vào mùa mưa. Năm nay, do diễn tiến chu kỳ dịch bệnh (cách 3- 4 năm thì có 1 năm bệnh gia tăng đột biến) thêm vào đó thời tiết thay đổi, rác thải, vệ sinh môi trường và ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao khiến bệnh sốt xuất huyết gia tăng.