Ngành Y tế tỉnh An Giang đã phát hiện và xử lý gần 2.000 ổ dịch sốt xuất huyết. Các địa phương xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết nhiều nhất là huyện Chợ Mới gần 500 ổ dịch, An Phú gần 250 ổ dịch, Tịnh Biên gần 240 ổ dịch... Tính đến ngày 10/12/2019, địa bàn tỉnh có gần 2.700 người mắc bệnh tay chân miệng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2018, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết: 15 năm qua, ngành Y tế An Giang đã hợp tác với Viện Pasteur nghiên cứu vắc xin, nhưng đến nay vẫn chưa có loại vắc xin phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng. Để đối phó với bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh điều trị các rối loạn do bệnh gây ra; ngành y tế chủ yếu xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng để phòng chống lây lan trong cộng đồng.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết thêm: Hiện cả nước có trên 250 ngàn ca mắc sốt xuất huyết, có 49 ca tử vong, trong đó có 1 ca xảy ra tại An Giang. So với trung bình cả nước, bệnh sốt xuất huyết tại An Giang cao gấp 2,9 lần.
Về nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết tại An Giang chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang thừa nhận thời gian qua công tác xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn còn chậm trễ, chưa dập tắt được dịch bệnh kịp thời. Ngành Y tế sẽ tiến hành rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch và tiến hành xử lý các ổ dịch kịp thời để tránh lây lan ra cộng đồng.
Để phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết: Sở đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân về xử lý, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết lẫn tay chân miệng; tập trung xử lý sớm các ổ dịch. Song song đó, ngành Y tế tỉnh nâng cao chất lượng điều trị và chuyển tuyến kịp thời để tránh gây tử vong cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng.