Một nghiên cứu do Đại học Johns Hopkins (Mỹ) và tổ chức "Save the Children" (Cứu trợ Trẻ em) tiến hành sử dụng các dự báo dựa trên các xu hướng hiện tại cho thấy hơn 10.800.000 trẻ em dưới 5 tuổi sẽ tử vong vì căn bệnh này vào cuối thập niên tới, trong đó một số ít nước sẽ gánh chịu gánh nặng này nhiều nhất với 1,7 triệu trẻ em sẽ tử vong tại Nigeria và Ấn Độ, 700.000 trẻ em tại Pakistan và 635.000 trẻ em tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
Trong khi tại các nước phát triển căn bệnh viêm phổi nặng chủ yếu ảnh hưởng đến người cao tuổi, thì tại các quốc gia đang phát triển, trẻ em là nạn nhân chính với hàng trăm nghìn em tử vong mỗi năm do căn bệnh dễ phòng ngừa này. Riêng trong năm 2016, hơn 880.000 trẻ em, chủ yếu trong độ tuổi dưới 2, đã tử vong vì bệnh viêm phổi.
Mặc dù vậy, nghiên cứu cũng đưa ra một số thông tin tốt lành khi cho biết bằng cách gia tăng phạm vi tiêm phòng hiện nay, cung cấp kháng sinh giá rẻ và đảm bảo dinh dưỡng tốt cho trẻ em có thể cứu sống được 4,1 triệu trẻ em.
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và hệ miễn dịch không bị tổn thương. Tuy nhiên, trên thế giới, căn bệnh này thường tấn công trẻ em dinh dưỡng kém, gây tử vong cho trẻ em mỗi năm nhiều hơn các bệnh sốt rét, tiêu chảy và sởi cộng lại.
Giám đốc tổ chức "Save the Children", Kevin Watkins nhấn mạnh :"Thật khó tin là gần 1 triệu trẻ em chết mỗi năm vì một căn bệnh mà chúng ta có hiểu biết và nguồn lực để chiến thắng". "Save the Children" cũng đã kêu gọi giảm giá mạnh đối với các vắcxin phòng bệnh viêm phổi chủ yếu hiện nay.
Năm 2030 là thời hạn để đạt được Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó có mục tiêu "chấm dứt những cái chết của trẻ em có thể phòng ngừa được" vào cuối thập niên tới.