Ngày 16/5, bệnh viện Phục hồi chức năng nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng hệ thống máy CPX, là máy kiểm tra vận động tim mạch hô hấp để đánh giá nguy cơ, chẩn đoán chức năng tim... Dựa vào các chỉ số từ hệ thống máy CPX, các bác sĩ sẽ đưa ra các bài tập, cường độ phù hợp cho bệnh nhân sau phẫu thuật tim. Đây được xem là bệnh viện đầu tiên đưa vào sử dụng hệ thống máy đánh giá vật lý trị liệu cho tim mạch.
Nhờ hệ thống máy CPX, bác sĩ sẽ đưa ra một chế độ tập vật lý trị liệu phù hợp cho những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. |
Theo các chuyên gia y tế, phục hồi chức năng tim mạch sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ tử vong khoảng 20 -25%; giảm tỷ lệ tái nhập viện và phòng ngừa các biến cố tim mạch tái phát, làm tăng chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bác sĩ Đinh Quang Thanh, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, bệnh viện Phục hồi chức năng nghề nghiệp, cho rằng lâu nay chỉ phục hồi chức năng về thần kinh, cơ, xương, khớp, chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống... Riêng ở lĩnh vực tim mạch, việc phục hồi chức năng cho tim hay còn gọi là vật lý trị liệu cho tim không được quan tâm mà chỉ tập trung chữa trị.
Bên cạnh đó, việc phục hồi chức năng cho tim mạch khó hơn ở những lĩnh vực khác, bởi đòi hỏi phải đánh giá được sự vận động ở một mức độ nào là vừa phải cho bệnh nhân. Theo đó, người mắc bệnh tim mạch không thể vận động gắng sức, nhất là những bệnh mạch vành, bệnh nhân sau phẫu thuật tim... Nếu hoạt động gắng sức, có thể nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân, còn nếu vận động không đủ, sẽ không đạt hiệu quả điều trị.
"Vấn đề quan trọng là làm sao xác định được bệnh nhân sau phẫu thuật tim vận động như thế nào là phù hợp. Tuy nhiên, lâu nay vấn đề phục hồi chức năng cho tim mạch ở Việt Nam chỉ mới đánh giá ước lượng trên lâm sàn, chưa có thiết bị máy móc để đánh giá độ chính xác cho bệnh nhân", bác sĩ Thanh cho biết.
Bác sĩ Đinh Quang Thanh cũng cho hay, với việc đưa vào triển khai hệ thống máy CPX tại bệnh viện, những bệnh nhân sau phẫu thuật tim sẽ có điều kiện phục hồi chức năng tim mạch. Qua đó, những nhóm bệnh nhân tim mạch, đặc biệt là những bệnh nhân sau phẫu thuật tim sẽ được đánh giá và được đưa vào một chương trình phục hồi chức năng tim mạch phù hợp để cải thiện được chức năng tối đa trong khả năng có thể. Điều đó sẽ giúp cho người bệnh tăng khả năng chất lượng sống khi tái hòa nhập với cộng đồng.
Các bài tập phục hồi chức năng tim thường là những bài tập đơn giản như đi bộ, leo cầu thang, tập tay,… được các chuyên viên vật lý trị liệu huấn luyện cho người bệnh với cường độ thích hợp, giúp bệnh nhân sau phẫu thuật có thể phục hồi tim tốt hơn.