Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nối thành công cẳng tay bị đứt rời

Ngày 21/4, theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ Khoa phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ của Bệnh viện đã nối thành công trường hợp cẳng tay bị cắt đứt rời bởi máy nghiền bột gạo. Đó là trường hợp anh T.Đ.T (44 tuổi, Hà Nam) bị các lưỡi dao của máy nghiền bột cắt đứt cẳng tay bên trái.

Đây chỉ là 1 trong 4 trường hợp chi thể lớn đứt rời (3 cẳng tay, 1 cẳng chân) được “hồi sinh” bằng phẫu thuật vi phẫu ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong 2 tuần giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua.

Vợ chồng anh T.Đ.T có nghề làm bún. Khi tai nạn bất ngờ xảy đến, nhìn thấy cẳng tay trái lại là tay thuận của mình bị máy cắt đứt lìa ra, máu chảy xối xả làm anh không khỏi hoảng loạn và lo lắng. 

Ngay sau đó, anh được gia đình cầm máu tạm thời và đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam sơ cứu cầm máu, giảm đau và bảo quản lại phần tay đứt rời, rồi anh được chuyển ngay lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Sau khi được thăm khám, hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ chuyên khoa Tạo hình Thẩm mỹ phối hợp cùng với các bác sĩ Chấn thương chỉnh hình đã tiến hành phẫu thuật vi phẫu cấp cứu nối lại cẳng tay đứt rời cho người bệnh.

Năm ngày sau mổ, sáng 20/4, cẳng tay đứt rời đã thực sự được “hồi sinh” trên cánh tay tưởng như tàn phế của anh T.Đ.T.  Bàn tay đã bắt đầu có cử động và cảm giác. Hiện tại, người bệnh vẫn được tiếp tục theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa. Trong thời gian tới, người bệnh còn phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại được gần như xưa.

Bác sĩ Tô Tuấn Linh, Khoa phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, người trực tiếp tham gia ca mổ cho biết, đây là một ca mổ rất khó khăn, do tổn thương bị cắt bằng các lưỡi dao của máy nghiền bột, tổn thương ở vị trí cao 1/3 trên cẳng tay, các thành phần tổ chức và mạch máu thần kinh bị dập nát nhiều, lại có nhiều dị vật dính vào. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ vừa phải đảm bảo làm sạch dị vật và tổ chức dập nát, nhưng lại không được cắt bỏ quá nhiều để vẫn đảm bảo chức năng của bàn tay sau mổ. Ngoài ra việc nối ghép lại mạch máu và thần kinh cho bệnh nhân là kĩ thuật rất khó, phải thực hiện hoàn toàn dưới kính hiển vi với các dụng cụ và kim chỉ rất nhỏ. Hơn nữa, việc phẫu thuật phải được sự phối hợp nhuần nhuyễn của các chuyên khoa Phẫu thuật và gây mê hồi sức để có thể rút ngắn thời gian mổ, đảm bảo tái tưới máu cho phần tay đứt rời sớm nhất có thể.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, mỗi năm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận hàng trăm trường hợp người bệnh đứt rời các phần cơ thể như tay chân, da đầu, môi mũi tai, dương vật, do các nguyên nhân tai nạn khác nhau. Trong đó, không hiếm các trường hợp đặc biệt như đứt rời cả hai tay, hai chân, hay phối hợp trong các bệnh cảnh đa chấn thương nặng khác. Đây là những ca bệnh phức tạp, tổn thương nặng, không chỉ đe dọa tính mạng người bệnh mà có thể ảnh nặng nề đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh sau này. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ và an toàn lao động để tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Trong 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức cấp cứu 24/24 giờ cho tất cả các bệnh nhân có chỉ định nối ghép các bộ phận cơ quan như tay chân, da đầu, môi, mũi, dương vật để không một bệnh nhân nào phải mất đi các phần cơ thể của mình, ngay cả trong thời gian dịch bệnh.

PV (TTXVN)
Nối thành công cẳng tay bị đứt do máy tuốt lúa
Nối thành công cẳng tay bị đứt do máy tuốt lúa

Ngày 30/5, Tiến sĩ Nguyễn Viết Ngọc, khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, các bác sĩ khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật đã phẫu thuật nối lại thành công cẳng bàn tay bị đứt gần hoàn toàn cho một nữ bệnh nhân ở huyện Ninh Giang (Hải Dương).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN